Du lịch Đam Rông chưa xứng tiềm năng

Để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng nhằm phát triển du lịch, ngày 28/3/2023, UBND huyện đã ban hành 'Đề án phát triển du lịch huyện Đam Rông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'. Cùng với kết quả đã đạt được, nhiều khó khăn đang đặt ra cho huyện Đam Rông trong thực hiện mục tiêu phát triển du lịch.

Đam Rông có nhiều thuận lợi về thiên nhiên để phát triển du lịch. Ảnh: H.Thắm

Đam Rông có nhiều thuận lợi về thiên nhiên để phát triển du lịch. Ảnh: H.Thắm

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông thông tin: Địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch như thực hiện nội dung “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới” với kinh phí 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng (giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, xử lý nước thải, rác thải...). Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông trọng yếu: tuyến Quốc lộ 27, Tỉnh lộ 722, 724; các tuyến đường vào khu, điểm dự kiến phát triển du lịch. Liên kết nối tuyến du lịch ngoại vùng trong và ngoài tỉnh: TP Đà Lạt là trọng tâm và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Đơn Dương, Lâm Hà với các tỉnh Tây Nguyên. Đối với việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch, trong năm 2024, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp của huyện đã tổ chức 2 lớp nghề với 40 học viên tốt nghiệp sơ cấp nghề, lớp nghề ngắn hạn về nghiệp vụ du lịch, trong đó lao động nữ là 40 học viên.

Huyện Đam Rông cũng đã hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác mô hình bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại 3 xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long. Đây sẽ là điểm sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các hoạt động văn hóa dân tộc không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân mà còn là sản phẩm văn hóa độc đáo thu hút du khách trong tương lai. Hiện tại, trên địa bàn huyện cũng đã thành lập 2 mô hình câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng tại xã Đạ Tông; tổ chức 15 lớp truyền dạy cồng chiêng; tổ chức phục dựng và tái hiện thành công Lễ hội Cúng Thần Mưa (Nhô Dơng) của dân tộc K’Ho tại xã Đạ Long, Lễ cưới xin (Lèh Tàm Bau) của dân tộc M’Nông tại xã Đạ Tông; cấp 13 bộ cồng chiêng và 48 bộ trang phục cho các đội văn nghệ truyền thống,... với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Tới đây, Đam Rông sẽ tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ 2 (dự kiến tháng 11/2024).

Các hoạt động này không chỉ phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Trong thời gian tới đây sẽ là những sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với Đam Rông.

Tại xã Đạ Tông, Công ty TNHH Tiến Lợi đã đầu tư và hoàn thiện cơ bản một số hạng mục và dịch vụ có thể đưa vào khai thác phục vụ du khách điểm du lịch “Suối khoáng nóng Daana”. Tháng 4/2023, điểm du lịch này được thử nghiệm hoạt động và thu hút hơn 4000 lượt du khách. Hiện nay, Công ty đang thực hiện hoàn thiện đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật. Tại thác Bảy Tầng, xã Phi Liêng, đã có Công ty TNHH Jungle Boss (tỉnh Quảng Bình) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chấp thuận cho khai thác dịch vụ du lịch “Đi bộ dã ngoại kết hợp đu dây vượt thác” góp phần tạo ra sản phẩm mới cho du lịch huyện Đam Rông. Trong thời gian tới, huyện Đam Rông tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư để xây dựng, phát triển khu vực này trở thành điểm du lịch trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Đối với mô hình du lịch sinh thái và làng đô thị xanh gắn với tham quan, mua sắm, giải trí về đêm tại xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông hiện nay đang thực hiện về điều chỉnh quy hoạch, đầu tư, xây dựng để triển khai thực hiện dự án.

Huyện Đam Rông cũng đã phối hợp cơ quan liên quan tổ chức nhiều cuộc khảo sát, phân tích thực trạng, tài nguyên du lịch, tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm quảng bá tiềm năng, điểm du lịch trên địa bàn huyện; kết nối tour tuyến du lịch giữa huyện Đam Rông với các địa phương trong tỉnh.

NHIỀU KHÓ KHĂN

Theo đánh giá của UBND huyện Đam Rông, việc thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch còn gặp khó khăn. Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch chủ yếu liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, do đó gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng, không được phép tác động đến rừng tự nhiên, đến nay, chưa có điểm du lịch được công nhận, nên chưa phù hợp để thực hiện “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới”.

Mặc dù địa phương đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nhưng bước đầu mới chỉ ở các khu vực dân cư, dân sinh, chưa nâng cấp cải tạo các tuyến đường đến các khu vực quy hoạch du lịch trọng điểm của huyện. Vì vậy, mặc dù cũng đã đẩy mạnh xúc tiến quảng bá để thu hút đầu tư, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư tại các khu, điểm du lịch trong huyện. Tuy nhiên, các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch nằm xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực, thương hiệu đầu tư, phát triển các dự án du lịch có quy mô tại địa phương.

Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch của địa phương này còn hạn chế. Chưa thực sự phát huy được một lượng lớn nhân lực là thanh niên tại chỗ và người dân bản địa, am hiểu về văn hóa bản địa, am hiểu về những truyền thống tốt đẹp như trang phục, cồng chiêng, ẩm thực của đồng bào…

Việc quảng bá, xúc tiến du lịch chưa thực sự mạnh mẽ. Hiện nay hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch mới chỉ được thực hiện trên các nền tảng facebook, zalo, hội nghị xúc tiến, tham gia hội chợ và triển lãm du lịch… Huyện cũng chưa có điểm du lịch được công nhận, nên việc xây dựng hình ảnh quảng bá các điểm đến của địa phương thiếu đồng bộ, chưa đa dạng, nội dung chưa phong phú, nổi bật và độc đáo để thu hút khách du lịch cũng như các nhà đầu tư.

Vì vậy, để phát triển du lịch đòi hỏi Đam Rông phải phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành và người dân; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thiết kế, xây dựng, xúc tiến và kinh doanh các hoạt động du lịch, dịch vụ.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/du-lich/202410/du-lich-dam-rong-chua-xung-tiem-nang-495265e/