Du lịch góp sức phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Ngành 'công nghiệp không khói' của Bình Thuận đang từng bước khẳng định thế mạnh về loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao giải trí trên biển, du lịch MICE (hội thảo, hội nghị kết hợp du lịch), du lịch tín ngưỡng... Được xem là ngành tổng hợp, do vậy du lịch phát triển cũng thúc đẩy các ngành khác phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, những năm gần đây ngành du lịch cũng tích cực tham gia phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn Bình Thuận. Cụ thể đã triển khai các giải pháp nhằm tăng cường tiêu thụ hàng hóa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm chế biến từ nông nghiệp, thủy hải sản trong hoạt động du lịch. Theo đó hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú du lịch tổ chức trưng bày, bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các cơ sở trong tỉnh sản xuất (hàng lưu niệm chế biến từ vỏ sò, ốc, sản phẩm từ cây dừa, đồ gốm…). Tại di tích tháp Pô Sah Inư, Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm còn tổ chức trưng bày, bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người Chăm như gốm gọ, dệt thổ cẩm, may mặc, túi xách… phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

Khách tham quan, mua sắm hàng lưu niệm và sản phẩm đặc trưng của địa phương khi du lịch tại Bình Thuận

Tại Bình Thuận, các dự án đầu tư kinh doanh loại hình dịch vụ phục vụ du lịch hiện tiếp tục tăng về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Trong đó có dịch vụ mua sắm hàng lưu niệm, hàng thủy hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ… đã tạo sự đa dạng về sản phẩm dịch vụ tại điểm đến, tăng khả năng tiêu dùng của du khách. Khi có điều kiện, một số khu du lịch cũng quan tâm mời các nghệ nhân biểu diễn chế tác các sản phẩm tại chỗ để giới thiệu trực tiếp với du khách về những nét độc đáo của nghề truyền thống. Qua đó vừa tạo sự hiểu biết và thu hút khách du lịch, đồng thời vừa góp phần tạo đầu ra cho các sản phẩm nghề truyền thống của địa phương… Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn khuyến khích các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh tổ chức những tour lữ hành đưa du khách tham quan một số làng nghề truyền thống của Bình Thuận nhằm giới thiệu nét văn hóa, các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu.

Hiện Mũi Né đã trở thành khu du lịch quốc gia hướng đến phát triển bền vững với sự chuyển biến mạnh mẽ về sản phẩm, dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng cũng như chất lượng ngày càng cao. Từ đó tạo sức cạnh tranh thu hút du khách đến Bình Thuận ngày càng đông hơn, thời gian lưu trú dài hơn, mức chi tiêu nhiều hơn và tỷ lệ khách quay trở lại cao hơn… Tiếp tục góp sức phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong những năm tới, ngành sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, đơn vị kinh doanh lữ hành phát triển các loại hình du lịch. Trong đó chú trọng phát triển loại hình du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số hoặc làng nghề truyền thống nổi trội của Bình Thuận để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù. Song song đó sẽ tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ truyền thống được sản xuất ở địa phương đến du khách khắp nơi.

Để đem lại hiệu quả trong công tác này, sở chức năng của tỉnh cần hỗ trợ tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho nghệ nhân, tạo điều kiện để các làng nghề tiếp cận công cụ, vật liệu sản xuất tiên tiến nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Nhất là với ngành nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng phục vụ các hoạt động, sự kiện thông qua việc nâng cao chất lượng, mẫu mã phù hợp thị hiếu khách du lịch. Tích cực tổ chức nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm truyền thống của các làng nghề, hoặc lồng ghép vào các chương trình xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho sản phẩm truyền thống dễ dàng tiếp cận công chúng, giúp giữ gìn và phát triển các làng nghề vươn lên cùng du lịch…

Đ.Quốc

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/trang%20du%20lich/du-lich-gop-suc-phat-trien-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep-132907.html