Du lịch Hà Giang: Văn hóa và sức mạnh nội sinh gắn với phát triển bền vững

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Giang, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang cùng Hội Lữ hành G7 đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề 'Văn hóa, sức mạnh nội sinh gắn với phát triển du lịch bền vững' nhăm tìm giải pháp giúp du lịch Hà Giang vượt qua khó khăn, thu hút khách trở lại sau ảnh hưởng nghiêm trọng của bão số 3.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp lữ hành từ ba miền Bắc, Trung, Nam, cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước địa phương và các đơn vị truyền thông báo chí.

Tọa đàm là diễn đàn để các nhà quản lý và doanh nghiệp trao đổi về hướng đi mới, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho Hà Giang, vùng đất có nhiều tiềm năng văn hóa và cảnh quan độc đáo.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang: Những lợi thế mà tỉnh Hà Giang đang có, được phản ánh rõ ràng trong Quy hoạch phát triển tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ông Hải khẳng định, Hà Giang sẽ tiếp tục lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch, đồng thời tận dụng du lịch để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương.

Những chiến lược như đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh thành khác và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Hà Giang, đã giúp tỉnh trở thành một điểm đến hấp dẫn. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế bền vững, đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số nơi đây.

Đáng chú ý, Hà Giang vừa nhận được danh hiệu “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024” từ Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA). Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc xây dựng hình ảnh một điểm đến văn hóa đẳng cấp, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Chủ tịch Hội Lữ hành G7 Trương Đức Hải phát biểu tại buổi tọa đàm.

Chủ tịch Hội Lữ hành G7 Trương Đức Hải phát biểu tại buổi tọa đàm.

Bão số 3 đã gây ra những thiệt hại đáng kể, đặc biệt là cho ngành du lịch Hà Giang. Ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, trong hai tháng qua, lượng khách đến Hà Giang đã giảm mạnh, do du khách lo ngại về tình trạng sạt lở và khó khăn trong việc di chuyển.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão. Đến nay, các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 2 và quốc lộ 4C, vốn là những tuyến đường quan trọng kết nối các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Giang, đã được thông suốt. Du khách và doanh nghiệp lữ hành có thể yên tâm khi đến với Hà Giang.

Cánh đồng ruộng bậc thang đang là mùa đẹp nhất thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Hà Giang.

Cánh đồng ruộng bậc thang đang là mùa đẹp nhất thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Hà Giang.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu từ doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm giúp Hà Giang vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ hơn. Ông Nguyễn Văn Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, cho rằng, Hà Giang cần chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh tình trạng trùng lặp với các địa phương khác. Đồng thời, việc bảo tồn và phát huy yếu tố văn hóa bản địa cần được đặt lên hàng đầu, tránh xu hướng bê tông hóa làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên và ảnh hưởng đến môi trường.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lữ hành G7, ông Lê Văn Dũ, cũng nhấn mạnh, Hà Giang cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, sẽ là yếu tố quan trọng giúp du khách di chuyển thuận lợi và an toàn hơn. Ngoài ra, Hà Giang nên mở cửa và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển du lịch để thu hút thêm nguồn lực đầu tư và cải thiện dịch vụ du lịch của tỉnh.

Nhằm khuyến khích khách du lịch trở lại với Hà Giang sau đợt suy giảm vừa qua, ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang, đã công bố một chiến lược giảm giá các sản phẩm và dịch vụ du lịch.

Theo đó, các hội viên của Hiệp hội Du lịch Hà Giang sẽ cam kết hạ giá thành từ 10% đến 30% và đảm bảo chất lượng dịch vụ để tạo sức hút đối với du khách. Đây được coi là một biện pháp quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn và khuyến khích du khách quay trở lại.

Bên cạnh việc giảm giá dịch vụ, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL, cho biết, ngành du lịch tỉnh sẽ tăng cường truyền thông để du khách nắm bắt thông tin về tình hình địa phương, từ đó an tâm hơn khi lên kế hoạch du lịch đến Hà Giang.

Khách tham quan điểm Tu Sản trên sông Nho Quế.

Khách tham quan điểm Tu Sản trên sông Nho Quế.

Buổi tọa đàm “Văn hóa, sức mạnh nội sinh gắn với phát triển du lịch bền vững” là một phần trong chuỗi hoạt động của chương trình “Khảo sát điểm đến Hà Giang - Kết nối yêu thương”. Chương trình không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu thực tế và đánh giá tiềm năng du lịch của tỉnh, mà còn là dịp để các bên liên quan chia sẻ ý kiến và đưa ra giải pháp giúp du lịch Hà Giang hồi phục và phát triển bền vững.

Thông qua những nỗ lực này, Hà Giang kỳ vọng kết hợp giữa văn hóa và du lịch sẽ là chìa khóa giúp tỉnh không chỉ vượt qua khó khăn mà còn xây dựng một tương lai phát triển bền vững, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Lê Phú/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/du-lich-ha-giang-van-hoa-va-suc-manh-noi-sinh-gan-voi-phat-trien-ben-vung-20241010111448640.htm