Du lịch một số tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng 'cất cánh vươn xa'

Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Cụm Tây ĐBSCL) gồm 07 địa phương: thành phố Cần Thơ - đô thị trực thuộc trung ương, trung tâm của vùng ĐBSCL và 06 tỉnh là An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Khu vực này đang đặt nhiều mục tiêu thu hút đầu tư vào ngành du lịch với kỳ vọng phát triển vượt bậc.

Tiềm năng thế mạnh du lịch da dạng và đặc sắc

Cụm Tây ĐBSCL với tổng diện tích gần 24.000 km², chiếm 59,1% diện tích của vùng ĐBSCL và dân số gần 10 triệu người, chiếm 52,4% dân số của vùng ĐBSCL. Các tỉnh, thành phố trong Cụm Tây ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển - đảo, sông - núi, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ và nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới. Đơn cử như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (tỉnh Hậu Giang), Rừng tràm Trà Sư (tỉnh An Giang)… Đây là những tài nguyên rất quý giá cho phát triển du lịch sinh thái.

Du lịch mùa nước nổi rừng tràm Trà Sư - An Giang

Du lịch mùa nước nổi rừng tràm Trà Sư - An Giang

Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch của Cụm Tây ĐBSCL còn thể hiện qua hơn 500 km bờ biển và hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ; tiềm năng về văn hóa với những phiên chợ nổi nhộn nhịp vào buổi sáng sớm mang nét đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Sự cộng cư lâu đời của bốn dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm chứa đựng một bề dày văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, hàng trăm lễ hội lớn nhỏ trong năm, hàng ngàn kiến trúc lâu đời có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa đang được khai thác và đã được các đơn vị lữ hành đưa vào chương trình tour, tuyến.

Bên cạnh những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, đặc trưng, thì việc kết nối thị trường khách du lịch trong và ngoài nước của các tỉnh, thành phố trong cụm Tây ĐBSCL hiện nay cũng trở nên rất thuận tiện thông qua những cửa khẩu quốc tế quan trọng như Vĩnh Xương (đường sông), Tịnh Biên, Hà Tiên (đường bộ); các dự án đồng bộ về hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển mang tầm quốc gia và khu vực đã, đang và sắp được triển khai thời gian tới. Hay dịch vụ hàng không ngày càng phát triển thông qua 02 sân bay nội địa là Cà Mau, Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và 02 sân bay quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với sự gia tăng nhanh chóng của các tuyến bay và tần suất bay.

Không bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư vào du lịch

Với những điều kiện thuận lợi nêu trên, cùng với sự nỗ lực của các địa phương trong việc hoàn thiện sản phẩm du lịch, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay, du lịch cụm Tây ĐBSCL đã đạt kết quả ấn tượng, hiện chiếm 46,4% lượng khách quốc tế và 76,8% lượng khách nội địa của toàn vùng ĐBSCL.

Bà Cao Xuân Thu Vân- Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết nếu tiếp tục được quan tâm đầu tư đúng mức thì du lịch của các tỉnh, thành phố trong Cụm Tây ĐBSCL sẽ tiếp tục “cất cánh vươn xa”.

Thành phố Cần Thơ với lợi thế là trung tâm của vùng ĐBSCL có hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ du lịch đồng bộ, đang xác định thế mạnh là du lịch sông nước đô thị, du lịch hội thảo (MICE). Cần Thơ đang tiếp tục mời gọi đầu tư 08 dự án về văn hóa, thể thao và du lịch, với tổng diện tích 207,53 ha và tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ đồng.

Hay tỉnh An Giang với thế mạnh về du lịch tâm linh, phát triển thêm loại hình du lịch sinh thái kết hợp mua sắm, du lịch về nguồn, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, huyền thoại vùng Thất Sơn, du lịch nghỉ dưỡng… Đặc biệt, tận dụng lợi thế mùa nước nổi khai thác các hoạt động nông nghiệp, trải nghiệm ẩm thực đồng quê. An Giang đang tiếp tục mời gọi đầu tư 24 dự án về văn hóa, thể thao và du lịch, với tổng diện tích 2.405,42 ha và tổng vốn đầu tư 20.780 tỷ đồng.

Tỉnh Kiên Giang - vùng đất “rừng vàng, biển bạc”, là cửa ngõ hướng ra biển Tây của vùng ĐBSCL, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đảo và giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế. Với lợi thế đó, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, góp phần hoàn thiện hạ tầng dịch vụ du lịch của tỉnh, đã hình thành nhiều khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước… Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch chất lượng cao, Kiên Giang đang mời gọi đầu tư 15 dự án về văn hóa, thể thao và du lịch, có tổng diện tích 1.139,41 ha, tổng vốn đầu tư gần 7.470 tỷ đồng và một số dự án do nhà đầu tư đề xuất vốn.

Với đặc trưng 02 hệ sinh thái rừng ngập ngọt và rừng ngập mặn, gắn với Khu dự trữ sinh quyển, Khu Ramsar, cùng với vị trí địa lý điểm cực Nam Tổ quốc, thời gian gần đây lượng khách du lịch đến với Cà Mau ngày càng tăng nhờ các sản phẩm du lịch trải nghiệm đa dạng. Khu Du lịch Mũi Cà Mau đang được đầu tư nhiều hạng mục công trình quan trọng như biểu tượng cột cờ Hà Nội, công trình Điểm cuối đường Hồ Chí Minh và các công trình ý nghĩa khác dự kiến đưa vào hoạt động tháng 12/2019. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, đây là điều kiện rất thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng góp phần phát triển du lịch Cà Mau.

Theo ông Nguyễn Quang Dương- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, để phát huy hết tiềm năng thế mạnh du lịch của của các tỉnh thành trong vùng, việc liên kết đã trở thành xu thế tất yếu. Trong việc liên kết này cần quy hoạch chuỗi liên kết du lịch Cụm các tỉnh thành phía Tây vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng, nhằm giải bài toán trùng lắp giữa các địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, cần có chính sách ưu tiên xây dựng nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành ĐBSCL. Sự đồng bộ này bao gồm cả cầu và đường, giao thông thủy- bộ, các bến xe, bến thủy, điểm dừng chân lên xuống khách.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-lich-mot-so-tinh-thanh-dong-bang-song-cuu-long-ky-vong-cat-canh-vuon-xa-124803.html