Du lịch Nhà Bè (TP.HCM): Cần một cách tiếp cận mới

Hơn nửa năm trước, huyện Nhà Bè đã tổ chức ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng 'Nhà Bè ngày mới' tham quan miếu Ngũ Hành (chùa Bà Châu Đốc 2), ngắm cảnh Tân Cảng Hiệp Phước, trải nghiệm vẽ trang trí...

Lần này, tôi được trải nghiệm sản phẩm tour mới là đi thuyền. Thuyền xuất phát từ bến phà Phước Khánh, ăn sáng hủ tiếu Phú Xuân, tham quan miếu Ngũ Hành, ngược sông Soài Rạp qua Tân Cảng - Hiệp Phước, ghé ăn trưa tại một quán quê rồi chạy xe gắn máy theo đường Giáng Hương, ghé cơ sở nuôi đông trùng hạ thảo, thưởng thức các sản phẩm trà, cà phê, rượu đông trùng.

Tour lạ, đi thuyền nên giá thành hơi cao so với tour đường bộ.

Một khu du lịch ở huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: Internet

Một khu du lịch ở huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: Internet

Chuyện xưa

Giữa thập niên 1980, tôi là cán bộ Thành Đoàn và từng đạp xe rong ruổi khắp Nhà Bè. Chuyến đi nào cũng vài ngày.

Anh Phạm Đức Hải, chuyên trách Đoàn đội Phòng Giáo dục của huyện khi ấy dẫn tôi về nhà chơi và dặn đi dặn lại rằng: “Anh tắm rửa cho kỹ, vào trỏng, không có nước ngọt tắm đâu!”. Do gần cửa sông, tiếp giáp biển, nguồn nước ngọt sinh hoạt của Nhà Bè rất hiếm. Phải trữ nước mưa hoặc mua nước từ các vùng phụ cận. Còn bây giờ thì cả huyện đã có nước máy, xài thoải mái.

Xe đạp tôi gởi nhà dân ngoài lộ chính. Nhìn nơi để xe là tôi có thể đoán biết hôm nay thầy cô nào có mặt. Cả nhóm cởi dép, xắn quần, lội đường sình. Có đoạn, chúng tôi còn phải bò qua cầu khỉ không tay vịn. Có đứa rớt tỏm xuống mương, áo quần lấm lem bùn đất. Nhìn mọi người qua cầu khỉ, tôi nghiệm ra “Càng đi chậm, cố giữ thăng bằng thì càng dễ té”. Trường học vùng sâu không có bãi xe, chỉ có bãi ghe, chẳng cần ai giữ.

Hiệp Phước của ngày xưa toàn đồng ruộng, đạp xe suốt 2 giờ vẫn chưa tới dù chỉ 20km. Thời đó, thứ gì cũng thiếu trừ tĩnh nghĩa thầy trò, tình cảm bà con dành cho các thầy cô Sài Gòn về vùng sâu. Những bữa cơm đạm bạc đầy ắp tiếng cười và nghĩa tình hào sảng. Nhà Bè ngày nay chẳng kém Sài Gòn “gì cũng có”. Chất quê có phần phôi pha nhưng “hương đồng gió nội” vẫn hào phóng.

Tôi cứ hoài niệm những đêm trăng ở Phước Lộc, Phước Kiển, Hiệp Phước… anh em hàn huyên chuyện nay, tán gẫu chuyện Nhà Bè ngày xưa với bao huyền tích hư thực. Địa danh Nhà Bè xuất hiện vào giữa thế kỷ XVIII - vùng đất mà nhiều cư dân “đàng ngoài” và người Minh Hương tị nạn. Họ được chúa Nguyễn khuyến khích xuôi thuyền vào Nam Bộ khẩn hoang, định cư.

Nhà Bè nằm án ngữ đường thủy huyết mạch, độc đạo từ Biển Đông qua rừng Sác vào Sài Gòn. Ở phía Tây, kênh Cây Khô, đường thủy chủ lực từ Sài Gòn đi Tây Nam Bộ. Mật độ sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và có cảng nước sâu. Nhà Bè còn giữ vị trí chiến lược quan trong về quân sự lẫn kinh tế, vùng đệm phiên dậu vòng trong của TP.HCM.

Nhà Bè có sông ngòi chằng chịt, lợi thế để phát triển du lịch sông - Ảnh: Internet

Nhà Bè có sông ngòi chằng chịt, lợi thế để phát triển du lịch sông - Ảnh: Internet

Dân di cư và thương hồ xưa đều xuôi thuyền vào sông Soài Rạp, gặp dòng nước ngược, phải tạm dừng nghỉ. Lòng thuyền chật, sinh hoạt khó khăn nên có người nảy ra ý đốn tre, kết bè neo trên sông và làm nơi nấu nướng, ăn uống, sinh hoạt.

Sách Gia Định Thành Thông Chí (Trịnh Hòa Đức 1765 – 1825) chép: “Thuở ấy, dân cư thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng kết tre làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi, và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không phải trả tiền. Sau đó, khách buôn cũng kết bè nổi, bán đồ ăn, nhiều đến 20 - 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè”

Võ Thủ Hoằng, còn gọi Thủ Huồng (không rõ năm sinh và mất) sống vào giữa thế kỷ XVIII, ở vùng Biên Hòa nay với nhiều giai thoại kỳ thú. Tên của ông được đặt cho chùa và cầu ở cù lao Phố. Dân gian vẫn truyền khẩu, nhắc nhau “Ai ơi có đến Nhà Bè. Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng”.

Nhà Bè là vùng đất làm từ thiện đầu tiên của Nam Bộ, khai sinh loại hình chợ Nổi ngày nay.

Du lịch Nhà Bè - cần một cách tiếp cận mới

Du lịch - muốn thu hút khách phải có bản sắc và sự khác biệt. Đặc trưng Nhà Bè là sông rạch nước lợ với lịch sử, địa lý, văn hóa và ẩm thực rất riêng.

Nhà Bè có thế mạnh là du lịch sông nước thương hồ. Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của một người làm du lịch như tôi (tác giả bài viết - PV) thì Nhà Bè phải tìm cách phục dựng lại không gian chợ nổi và nhà bếp tự phục vụ xưa để du khách có thể trải nghiệm, đắm mình trong những câu chuyện kỳ thú thời khẩn hoang của Thủ Hoằng; xây dựng lưu trú trên sông với những khu nghỉ dưỡng yên tĩnh, thân thiện môi trường, sáng tạo, cùng các dịch vụ tương xứng.

Cần chuẩn hóa các điểm đến, ưu tiên nhà vệ sinh, các bến tàu, môi trường, tổ chức đội ngũ thuyết minh tại chỗ; miếu Ngũ Hành (chùa Bà Châu Đốc 2), tín ngưỡng dân gian đặc thù Nam bộ, tổng hợp nhiều chủ thể tâm linh. Và cũng nên thay các loại ghế đá có chữ “Cúng dường”, “Tạ ơn”, “Kính tặng”… Ai, đơn vị nào muốn để tên trên ghế đá thì phải trả tiền quảng cáo.

Về ẩm thực, Nhà Bè có nhiều món ngon, hương vị lạ. Có lẽ nhờ đặc điểm thổ nhưỡng nước lợ, không quá gần biển nên động thực vật rất riêng, như trái bần ở đây, ăn là biết liền. Bần ổi chấm mắm còng, muối chua đều lạ miệng hay món cá kèo đỏ kho tộ với nước dừa nước, có lẽ, chỉ Nhà Bè mới có; cá ngát Cây Khô ăn đứt cá lăng nước ngọt; món rạm chiên dòn hay xào me đều ngon “bá cháy”.

Nhà Bè có hải sản ngon của vùng nước lợ - Ảnh: Internet

Nhà Bè có hải sản ngon của vùng nước lợ - Ảnh: Internet

Cua ở Nhà Bè, loại cua mới lớn, mỗi ký 6 con với bề ngoài “nhỏ mà có võ”, ăn là ghiền. Dân sành ăn bảo loài cua này ngon nhất Việt Nam. Hay món cá đối và tôm sú nướng than đước, bạch tuộc nhúng dấm bần, gỏi bông bần, lìm kìm chiên dòn, ốc mỡ nướng tỏi, vịt nướng chao… Món nào cũng “ngon điếc mũi”, ăn cả tuần mới đã.

Ẩm thực Nhà Bè thì món ngon luôn ở trong dân, trong những quán quê dân dã bốn bề lộng gió. Mở những lớp dạy nấu ăn, mời du khách trải nghiệm hái bần, dừa nước, đánh bắt thủy sản, câu cá đối (không cần lưỡi câu), thu hoạch vuông tôm, vèo cá... cùng chế biến và thưởng thức.

Cần trồng thêm hoa vào các đường nông thôn mới rồi mở cuộc thi “Đường đẹp nhất”, “Nhà vườn, điểm check in ấn tượng nhất”…

Tôi vẫn hoài niệm những đêm đạp xe trên những nẻo quê xanh mát như đường Giáng hương, Bằng lăng (Thao lao), Sao đen… có trăng vàng mê hoặc và nghe vu vơ chó sủa, côn trùng hòa tấu, sông nước, cây cỏ thầm thì kể chuyện hồng hoang với tri âm.

Du lịch Nhà Bè cũng cần xây dựng những khu chợ thủy sản, chợ đêm, trung tâm ẩm thực thủy sản tại bến phà Phước Khánh; tổ chức các dịch vụ chèo thuyền sub, kayak, ba lá… để khám phá kênh rạch; tham gia trồng cây, giữ rừng nước lợ.

Nếu biết cách làm, du lịch Nhà Bè có rất nhiều thứ khẳng định thương hiệu.

Chúng ta phải bắt đầu từ thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận thì mới có cách làm hiệu quả. Tuy nhiên, sự thay đổi nào cũng cần có lộ trình, có người chịu trách nhiệm và dân chịu làm, tư vấn thực tiễn.

Nếu tất cả đồng lòng thì không gì là không thể.

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/du-lich-nha-be-tp-hcm-can-mot-cach-tiep-can-moi-205060.html