Du lịch Thanh Hóa nỗ lực vượt khó do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19
Khó khăn, thiệt hại là rất lớn, nhưng đây cũng là dịp để ngành Du lịch Thanh Hóa điều chỉnh hướng đi, tái cơ cấu lại để biến khó khăn thành cơ hội.
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó Du lịch là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất. Khó khăn, thiệt hại là rất lớn, nhưng đây cũng là dịp để ngành Du lịch Thanh Hóa điều chỉnh hướng đi, tái cơ cấu lại, để biến khó khăn thành cơ hội
Theo thống kê, tháng 2 là cao điểm bùng phát dịch bệnh nên lượng khách du lịch đến với Thanh Hóa giảm đáng kể. Tổng lượt khách ước đạt 399.500 lượt khách, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm ngoái; phục vụ ước đạt 428.000 ngày khách, giảm 51,4% so với cùng kỳ; tổng thu du lịch ước đạt 278 tỷ đồng, giảm 36,1% so với cùng kỳ 2019. Dự báo các chỉ tiêu của du lịch năm 2020 có thể giảm khoảng 15% so với năm 2019.
Để chủ động ứng phó và có kế hoạch biến thách thức thành cơ hội, ngành du lịch Thanh Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến với địa phương như: tổ chức công bố rộng rãi trên truyền thông khi Thanh Hóa đảm bảo các điều kiện hết dịch, tuyên truyền mạnh mẽ thông điệp “Thanh Hóa – điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn” nhằm tạo tâm lý an toàn cho du khách khi chọn Thanh Hóa là điểm đến. Đại diện các địa phương, đơn vị quản lý các khu, điểm du lịch cũng đưa ra những giải pháp để thu hút khách đến với các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.
Ông Vũ Đình Sỹ, Phó trưởng ban phụ trách BQL Di tích lịch sử Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch sau khi hết dịch, chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất các giải pháp đó là di tích Lam Kinh sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành và giảm giá vé đến 30% giá vé đối với các nhà tour khi đưa khách đến Lam Kinh, thứ 2 là chúng tôi xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Còn bà Lê Bích Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư và du lịch Hải Tiến cho biết: “Năm nay chúng tôi sẽ thực hiện chính sách kích cầu, giảm giá đến 30% giá phòng ở cho khách đoàn, ăn uống thì tất nhiên bây giờ giá cả cao, chúng tôi chỉ giảm 10% nhưng vẫn đảm bảo ăn ngon và chất lượng an toàn thực phẩm trong bối cảnh hiện nay để thu hút khách về Thanh Hóa”.
Cùng với sự cam kết cụ thể của đơn vị doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng đưa ra các giải pháp quan trọng như phối hợp với các địa phương trọng điểm du lịch tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch, tổ chức các đoàn tham gia quảng bá xúc tiến du lịch Thanh Hóa tại các địa phương trong cả nước.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: “Các doanh nghiệp đã đồng lòng đưa ra gói kích cầu khá hiệu quả, thứ nhất là nâng cao chất lượng, thứ 2 là giảm giá từ 20-40% gói lữ hành, vận chuyển. Hiệp hội du lịch Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra bộ tiêu chí điểm đến an toàn trong bối cảnh đang có dịch Covid-19, Thanh Hóa sẽ căn cứ vào 5 tiêu chí này, phối hợp hiệp hội du lịch Thanh Hóa và mời hiệp hội du lịch Việt Nam vào rà soát và đánh giá công nhận điểm đến an toàn với du lịch Thanh Hóa”.
Tỉnh Thanh Hóa xác định Du lịch là một trong những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp để kích cầu du lịch trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, đồng thời tạo ra hướng đi mới phù hợp, bền vững hơn trong tương lai, sẽ giúp Du lịch Thanh Hóa chuyển khó khăn thành cơ hội để phát triển./.