Du lịch Yên Dũng (Bắc Giang) nhiều điểm nhấn

Huyện Yên Dũng xác định phát triển 3 loại hình du lịch gồm: Văn hóa - tâm linh; sinh thái - nghỉ dưỡng; vui chơi - giải trí - thể thao và các sản phẩm du lịch khác mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế gắn với du lịch của huyện.

Hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, Yên Dũng đã dành nhiều nguồn lực và huy động để đầu tư phát triển du lịch văn hóa-tâm linh. Theo thống kê, đã có 17 di tích lịch sử, văn hóa được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 145 tỷ đồng.

Điểm nhấn ở thị trấn Nham Biền là chùa Thiên Lai với mức đầu tư 90 tỷ đồng; đền Thanh Nhàn 13,5 tỷ đồng. Chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên) tiếp tục được quan tâm với Đề án trưng bày Mộc bản trị giá 1,5 tỷ đồng đang khai thác hiệu quả.

 Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng - điểm đến du lịch văn hóa-tâm linh hấp dẫn du khách.

Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng - điểm đến du lịch văn hóa-tâm linh hấp dẫn du khách.

Cùng với đó, huyện chú trọng tuyên truyền, quảng bá, nhất là đối với hệ thống di tích, di sản. Trọng tâm là chùa Vĩnh Nghiêm với bộ Mộc bản được công nhận di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của chùa được xếp hạng quốc gia đặc biệt, còn lễ hội chùa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Quảng bá các giá trị của chùa Kem (thị trấn Nham Biền) nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế. Các di tích quốc gia khác như: Đền Từ Vũ (xã Yên Lư); Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An và Địa điểm địa đạo làng chiến đấu Long Trì (thị trấn Tân An) và 80 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh khác.

Với các loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và thể thao - giải trí, huyện tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển các điểm thu hút khách đến tham quan như: Khu vực núi Non Vua (thuộc quần thể Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng); sân golf và dịch vụ Yên Dũng; cây gạo miếu Bà Cô, xã Lãng Sơn.

Để xây dựng, phát triển các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, UBND huyện chú trọng khôi phục, phát triển, quảng bá nâng tầm các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Gạo thơm, Rau sạch, Gốm làng Ngòi, Tương Trí Yên, mộc Đông Thượng - Lãng Sơn, kẹo lạc Tư Mại, bánh đa Cảnh Thụy...

Với 3 loại hình được đầu tư, khai thác trên, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đón khoảng 422.500 lượt khách tham quan, đạt 84,5% so với kế hoạch đề ra. Doanh thu từ dịch vụ du lịch 102,4 tỷ đồng, ước đạt 89% kế hoạch của cả giai đoạn. Được biết, huyện Yên Dũng đang có những định hướng mới để "nâng cánh" cho du lịch phát triển.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-lich-yen-dung-bac-giang-nhieu-diem-nhan-post251643.html