Dự luật gần 3000 trang của Mỹ về cạnh tranh với Trung Quốc
Hạ viện Mỹ hôm 25/1 đã thông qua một dự luật sâu rộng, nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của nước này với Trung Quốc.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, dự luật mới được Hạ viện Mỹ thông qua có tên gọi Đạo luật cạnh tranh Mỹ 2022, với độ dài lên tới 2.912 trang. Các điểu khoản có trong dự luật bao gồm việc cho phép chi hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Mỹ, tăng cường hơn nữa vai trò của Washington trong vấn đề Đài Loan, cũng như củng cố mối quan hệ với nhóm Bộ tứ - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Bên cạnh đó, dự luật còn cho phép Mỹ đầu tư khoảng 100 triệu USD cho việc “phòng chống kiểm duyệt và các thông tin sai lệch của chính phủ Trung Quốc”, cùng 10 triệu USD để tài trợ cho các trung tâm ngôn ngữ thay thế Viện Khổng Tử tại Mỹ.
Về vấn đề Biển Đông, dự luật của Hạ viện Mỹ nhắc lại quan điểm phản đối các yêu sách chủ quyền trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, người luôn đề cao sự cạnh tranh với Trung Quốc, đã hoan nghênh việc thông qua Đạo luật cạnh tranh Mỹ 2022. Ông Biden cho rằng, dự luật sẽ củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ và “tái tạo động cơ đổi mới của nền kinh tế Mỹ, nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới trong nhiều thập kỷ tới”.
Dự luật mới của Hạ viện Mỹ được công bố hơn 7 tháng sau khi Thượng viện nước này thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới Mỹ, cũng nhằm mục đích cạnh tranh với Trung Quốc. Đạo luật này sẽ dành 250 tỷ USD cho lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, đồng thời củng cố vai trò của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan.
Sự cạnh tranh với Trung Quốc là một vấn đề hiếm hoi nhận được sự đồng thuận từ cả hai chính đảng trong lưỡng viện của Quốc hội Mỹ. Trong một tuyên bố trên Twitter, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho hay các điều khoản chính của Đạo luật cạnh tranh Mỹ 2022 đã được Hạ viện thông qua "với tỷ lệ ủng hộ áp đảo từ lưỡng đảng".
Hiện chưa rõ Thượng viện Mỹ có ủng hộ dự luật vừa được Hạ viện thông qua hay không. Nếu được lưỡng viện phê chuẩn, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Biden ký thành luật.