Dư nợ tín dụng bất động sản đã giảm về ngưỡng an toàn

Báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% giảm xuống 6,47% trong năm 2019; đến quý III/2020, dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 6,3% đến 7%, nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế.

Còn khoảng 1,6 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng bất động sản

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội mới đây, đến thời điểm hiện tại dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.

Dư nợ tín dụng bất động sản trong ngưỡng an toàn, tuy nhiên cần cẩn trọng với một số khoản vay có nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Dư nợ tín dụng bất động sản trong ngưỡng an toàn, tuy nhiên cần cẩn trọng với một số khoản vay có nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019; trong quý I/2020 giảm còn 6,3%; quý II/2020 tăng nhẹ lên 6,48%; đến quý III/2020 dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 6,3% đến 7%, nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6/2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 580.168 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà đạt 145.099 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành có hiệu lực kể từ ngày 13/5/2020. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, một số ngân hàng thương mại cũng đã có những hành động và kế hoạch cho khách hàng giãn, hoãn những khoản nợ.

Theo Bộ Xây dựng, đây cũng là xu hướng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên thế giới nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế ứng phó với tác động của dịch Covid-19.

Cẩn trọng với một số khoản vay có nguy cơ thành nợ xấu

Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho thấy, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố 10 tháng năm 2020 đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2019. Dư nợ tín dụng loại trung, dài hạn chiếm 52,2%, tăng 6,6%; dư nợ tín dụng loại ngắn hạn chiếm 47,8%, tăng 4,31% so với cuối năm 2019.

Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 293.750 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2019; nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản.

Báo cáo của HoREA cũng cho thấy, thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (gói 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ), chỉ còn dư nợ 2.985 tỷ đồng với 8.554 khách hàng. Trong đó, có 2 doanh nghiệp dư nợ 120 tỷ đồng và 8.552 cá nhân, hộ gia đình còn dư nợ 2.865 tỷ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động rất nghiêm trọng, nhưng so với các nước, trong 9 tháng đầu năm 2020, GDP của Việt Nam vẫn tăng 2,12%; lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số CPI chỉ tăng 3,71%; dư nợ tín dụng tăng 6,09% so với cuối năm 2019.

Mặt tích cực là dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn thành phố vẫn tăng 5,9% so với cuối năm 2019 và nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản, nên vẫn còn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân.

Đại diện HoREA cũng cho rằng, cần quan tâm đến dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà, nhưng chuyển sang kinh doanh bất động sản, chiếm 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, cần phải có cơ chế kiểm soát, quản lý phù hợp./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-11-20/du-no-tin-dung-bat-dong-san-da-giam-ve-nguong-an-toan-95568.aspx