Dự thảo khen thưởng-kỷ luật học sinh có nhiều thay đổi, thầy cô, cha mẹ nên biết

GDVN- Dự thảo mới tước đi quyền được xử lý học sinh vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là điều không nên trong giai đoạn hiện nay.

Tháng 8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo (lần 2) Thông tư Quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay thế Thông tư 08/1998 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chỉ còn 4 hình thức khen thưởng

Hiện nay, tại Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn học sinh có 7 hình thức khen gồm: Khen trước lớp; khen trước trường; khen học sinh khá; khen học sinh giỏi; ghi tên vào bảng danh dự; khen học sinh xuất sắc; khen thưởng đặc biệt.

Thì tại dự thảo mới chỉ còn 4 hình thức khen gồm: Tuyên dương trước lớp; Tuyên dương trước toàn trường; Tặng giấy khen; Các hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp với mục đích và nguyên tắc khen thưởng học sinh.

Bỏ quy định kỷ luật buộc thôi học 1 năm

Hiện nay, tại Thông tư 08 có 5 hình thức kỷ luật học sinh gồm: Khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ; đuổi học một năm.

Thì tại dự thảo mới chỉ còn 3 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm.

Hình thức kỷ luật cao nhất theo Thông tư 08 là “đuổi học một năm” nhưng trong dự thảo Thông tư mới đã thay từ “đuổi học” thành “tạm dừng học tập trên lớp” với mức tối đa giảm xuống còn hai tuần đối với những vi phạm như:

Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như: đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lí theo quy định của pháp luật.

Dự thảo mới này theo nhiều người là có tính nhân văn, tiến bộ, xử lý học sinh theo hướng uốn nắn, giáo dục giúp đỡ học sinh tiến bộ.

Tuy nhiên, theo tôi các hình thức kỷ luật tiến bộ như trên chỉ áp dụng cho học sinh tiểu học, học sinh khuyết tật, chuyên biệt,…

Tranh minh họa: KHỀU/Nld.com.vn

Tranh minh họa: KHỀU/Nld.com.vn

Còn lứa tuổi học sinh từ lớp 8, 9 hay học sinh trung học phổ thông trở lên đã có nhiều ý thức, các em cũng phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm pháp luật, quy định của ngành.

Đã có nhiều trường hợp học sinh bị kỷ luật buộc thôi học 1 năm, sau đó nhận ra sai sót và tiến bộ hơn.

Việc tạm dừng học 1 năm nên được duy trì từ học sinh lớp 8 trở lên sẽ giúp các em có thêm thời gian để nhìn lại các vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Nhà trường cũng dựa vào đó để giáo dục, răn đe các em tránh vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức,…

Kỷ luật phải hướng đến sự tích cực, giáo dục uốn nắn, giúp đỡ học sinh. Tuy nhiên nếu học sinh vi phạm nghiêm trọng sử dụng hung khí, xúc pham thân thể nghiêm trọng thân thể người học, giáo viên, vi phạm nghiêm trọng nội quy,… nhiều lần nhưng mức kỷ luật tối đa chỉ ở mức 2 tuần lễ là không phù hợp, không có mức độ răn đe, giáo dục,…

Nguyên tắc của giáo dục phải bao gồm nguyên tắc “cứng” và “mềm”, nếu mãi dung dưỡng cái xấu thì môi trường giáo dục sẽ có nhiều vụ bạo lực học đường hơn, sẽ có nhiều vụ học sinh hành hung, nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học và người dạy hơn,…

Một nguyên tắc giáo dục nữa là phải có tính răn đe, giúp học sinh nhận ra sai phạm để tiến bộ, nếu học sinh đánh giáo viên một lần, nhiều lần thì mức độ kỷ luật cũng chỉ tối đa 2 tuần lễ thì tôi cho rằng không có tác dụng giáo dục thậm chí phản giáo dục.

Có thêm nhiều hình thức khen thưởng, đánh giá mới đối với học sinh tiểu học

Tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhiều hơn, các trường khi xử lý kỷ luật học sinh đa số đều xử lý mang tính giáo dục, uốn nắn học sinh rất ít khi áp dụng việc buộc thôi học học sinh.

Nhưng dự thảo mới tước đi quyền được xử lý học sinh vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là điều không nên trong giai đoạn hiện nay.

Nếu vậy học sinh sẽ nhờn thuốc, vi phạm càng nhiều hơn, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật,… sẽ gia tăng.

Nếu học sinh biết được dù vi phạm đến mức nào cũng chỉ bị kỷ luật tối đa là tạm dừng học 2 tuần, thì các em sẽ càng ngang bướng hơn, sẽ bất chấp hơn, cá biệt hơn và bạo lực học đường sẽ nhiều hơn.

Một lần nữa, xin góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được đề xuất giữ hình thức buộc thôi học 1 năm đối với học sinh từ lớp 8 trở lên.

Mọi người xem và góp ý Dự thảo Thông tư tại địa chỉ:

https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1511.

BÙI NAM

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/du-thao-khen-thuong-ky-luat-hoc-sinh-co-nhieu-thay-doi-thay-co-cha-me-nen-biet-post212304.gd