Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Tránh mâu thuẫn với các đạo luật liên quan

Giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 26.5. Dù áp dụng thủ tục rút gọn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết các vụ việc này, nhưng nhiều đại biểu đề nghị rà soát lại, tránh mâu thuẫn với các đạo luật liên quan, nhất là quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Tính chất phức tạp của vụ án phụ thuộc vào tình tiết, không phải giá trị giao dịch

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), vấn đề giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại tòa án được dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) chỉnh lý theo hướng mới, thể hiện tại Điều 70. Theo đó, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc khi có đủ các điều kiện (người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; vụ án có chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án; giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài).

Lý giải cho lựa chọn này, tại Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật nêu rõ, nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khi đa số các vụ tranh chấp này có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về việc giữ quy định điều kiện giao dịch dưới 100 triệu đồng trong áp dụng thủ tục rút gọn, Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cũng nêu rõ, quy định này kế thừa từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và kinh nghiệm quốc tế. Điều kiện “giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng” nhằm nhấn mạnh vào yếu tố đặc thù trong các vụ án tiêu dùng để làm căn cứ áp dụng thủ tục rút gọn.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, xuất phát từ quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự năm 2015, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề, trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp là lớn hay nhỏ, là 100 triệu đồng, 1 tỷ đồng hay 10 tỷ đồng, mà phụ thuộc vào tình tiết, chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không?

“Trong rất nhiều trường hợp, có khi giá trị tranh chấp chỉ vài triệu đồng nhưng tình tiết rất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, các bên không lập hợp đồng, chỉ thỏa thuận miệng và cho đến nay không thừa nhận nghĩa vụ đã cam kết. Những vụ án này không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết, mặc dù chỉ tranh chấp liên quan đến vài triệu đồng. Nhưng ngược lại, có những vụ án giá trị tranh chấp lên đến vài chục tỷ đồng, các bên lập hợp đồng rất rõ ràng, chặt chẽ và mỗi lần giao hàng đều có biên bản giao, nhận đầy đủ, thì vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích.

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa). Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa). Ảnh: Lâm Hiển

Mặt khác, theo ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), tại khoản 3 Điều 316 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định "Trường hợp luật khác có quy định tranh chấp dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì việc giải quyết tranh chấp đó được thực hiện theo thủ tục quy định tại phần này”. Như vậy, tuyên bố của khoản 3 Điều 316 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rất rõ, toàn bộ mọi hoạt động khác liên quan tới tố tụng, thì phải theo bộ luật này chứ không thể theo một văn bản luật khác. Với những lý do này, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị, tại Điều 70 của dự thảo Luật chỉ nên quy định "vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thực hiện theo thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự"; đồng thời, bỏ điều 78 tại dự thảo Luật.

Bảo đảm không xung đột với Bộ luật Tố tụng dân sự

Tham gia đóng góp ý kiến với nội dung này, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, ĐBQH Nguyễn Hòa Bình (Bắc Giang) nhấn mạnh, theo quy định tại Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu các vụ án dân sự trong vụ kiện liên quan đến người tiêu dùng thỏa mãn điều kiện ở Điều 317 thì được áp dụng thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Dân sự có quy định tại Điều 316 “mở đường” cho các luật khác quy định có thể áp dụng rút gọn, nhưng phải theo trình tự, thủ tục rút được bộ luật này quy định.

“Quy định như tại Điều 70 là trích dẫn Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự, nhưng đưa thêm 100 triệu đồng vào, thì có đại biểu Quốc hội cho rằng hạn chế quyền của người tiêu dùng. Nhận định như thế là đúng”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, đối với các vụ án có quy mô nhỏ, mà quy mô ở đây chính là giá trị, thì người ta cũng giải quyết rất đơn giản. "Nhiều nước quy định giá trị của tranh chấp được áp dụng thủ tục rút gọn để giúp xã hội không phải mất công vào những chuyện lặt vặt. Đôi khi, hai anh nợ nần với nhau 1.000 - 2.000 USD mà suốt ngày sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, thì tốn kém chi phí của xã hội". Từ thực tế này, Chánh án đề nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và thể hiện lại quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật để tránh mâu thuẫn với quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó có quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án tại tòa án.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/du-thao-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-tranh-mau-thuan-voi-cac-dao-luat-lien-quan-i330332/