Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bổ sung quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ hợp lý, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá giữa các vùng miền và nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Chiều 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Xây dựng chính sách giá điện tiến tới sát giá thị trường

Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) có 9 chương, 121 điều (tăng 51 điều so với Luật hiện hành), trong đó, giữ nguyên 1 Điều so với Luật hiện hành. Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.

Chủ nhiệm UBKHCN&MT Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm UBKHCN&MT Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra

“Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cụ thể hóa một số quy định, tránh việc quy định chung, khó định lượng” - Chủ nhiệm UBKHCN&MT Lê Quang Huy nêu rõ.

Tuy nhiên, Thường trực UBKHCN&MT đề nghị tiếp tục rà soát trong quá trình xây dựng Luật, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định như tính độc lập trong hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện, các bên tham gia mua bán điện, mô hình đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo…

Về các nội dung cụ thể, theo tờ trình của Chính phủ, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị từ năm 2020 đã đưa ra định hướng “không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền”.

Vì vậy, dự thảo luật bổ sung quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ hợp lý, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá giữa các vùng miền và nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cơ chế giá điện cũng được áp dụng phù hợp với các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn.

Về nội dung này, cơ quan thẩm tra cho rằng việc bổ sung các quy định về xây dựng chính sách giá điện tiến tới sát thị trường là phù hợp. Tuy nhiên, các quy định về giảm bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng chưa thể hiện cụ thể tại dự thảo luật. Theo Thường trực UBKHCN&MT, dự thảo luật cần quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng hơn về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng. Việc này nhằm đảm bảo bình đẳng xã hội, nguyên tắc thị trường và khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị, nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; bổ sung cơ chế về giá điện hai thành phần, giá điện nhập khẩu và xuất khẩu để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện; quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.

Thời gian điều chỉnh giá điện giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng

Liên quan đến giá điện, dự thảo Luật đề xuất Chính phủ sẽ là cơ quan có thẩm quyền trong ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng. Cụ thể, Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó nêu cụ thể thẩm quyền theo từng mức điều chỉnh giá. Thời gian điều chỉnh giá cũng được rút xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng hiện nay. Việc này để giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp biến động thực tế, thông số đầu vào sản xuất và bù đắp các chi phí, lợi nhuận hợp lý, bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về xây dựng khung giá phát của đơn vị phát điện, giá hợp đồng mua bán điện; giá tạm giữa bên bán và mua điện.

Thường trực UBKHCN&MT nhận thấy, các quy định về giá điện hầu hết đều giao Bộ Công thương xây dựng, thẩm định. Nội dung này đã được quy định tại Luật Điện lực năm 2004. Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện giá điện chưa hiệu quả, chưa minh bạch hết các thành phần cấu thành giá. Trong khi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo công bằng, minh bạch của thị trường điện cạnh tranh.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm công khai minh bạch các loại giá (truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện); rà soát quy định về thẩm quyền, hình thức và phương pháp định giá điện, dịch vụ về điện để thống nhất với Luật Giá…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Về thị trường điện cạnh tranh, Thường trực UBKHCN&MT thấy rằng, quá trình tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh rất chậm so với tiến độ đã được quy định. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến lộ trình phát triển thị trường điện; kế hoạch tái cơ cấu ngành điện; kế hoạch cải cách giá bán lẻ điện và tuân thủ chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW.

Tại Điều 17 của dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đề xuất cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ. Theo UBKHCN&MT, các nội dung quy định này nằm ngoài nội dung của chính sách về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Do đó, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo về sự cần thiết đưa quy định về xử lý các dự án chậm tiến độ vào Luật này hay quy định tại các văn bản chỉ đạo, điều hành về xử lý các tình huống cụ thể. Bên cạnh đó, đề nghị giải trình rõ việc xử lý các dự án chậm tiến độ cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đầu tư./.

Thông qua trong một kỳ họp là tương đối gấp gáp

Về thời gian thông qua Luật, UBKHCN&MT cho rằng nếu trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo đề nghị của Chính phủ tương đối gấp. Bởi đây là dự án Luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nội dung sửa đổi Luật là tổng thể, gồm 6 nhóm chính sách lớn.

Do vậy, đề nghị đối với dự án Luật này nên được xem xét, thông qua theo quy trình 2 kỳ họp để Quốc hội có thêm thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, bảo đảm tính khả thi. Trường hợp dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì UBTVQH xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-thao-luat-dien-luc-sua-doi-giam-dan-tien-toi-xoa-bo-bu-cheo-gia-dien-157501.html