Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi): Các chính sách của nhà nước đối với thanh niên cần bảo đảm tính khả thi

Ngày 21/11/2019, tiếp tục chương trình làm việc của kì họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội MAI THỊ KIM NHUNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Bí thư Thành đoàn Đông Hà tham gia thảo luận. Sau đây là nội dung phát biểu của đại biểu Mai Thị Kim Nhung.

 Đại biểu Mai Thị Kim Nhung phát biểu tại hội trường. Ảnh: PHN

Đại biểu Mai Thị Kim Nhung phát biểu tại hội trường. Ảnh: PHN

Kính thưa Quốc hội!

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), tôi xin tham gia một số ý kiến như sau.

Trước hết về vấn đề chung của dự thảo luật. Về chính sách của nhà nước đối với thanh niên nêu ra ở dự thảo luật, theo tôi là còn chung chung, mang tính khẩu hiệu, định hướng và mang tính liệt kê các chính sách theo từng lĩnh vực, do đó dẫn đến chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, vừa thừa vừa thiếu so với các luật chuyên ngành. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát nội dung dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi của các chính sách, bảo đảm dự thảo đã quy định đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc xây dựng và tổ chức thực thi chính sách cho thanh niên.

Về các điều luật, tôi xin tham gia một số điều cụ thể như sau:

Điều 1, về độ tuổi của thanh niên. Độ tuổi của thanh niên theo luật hiện hành là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Tôi cho rằng cần thiết tăng độ tuổi của thanh niên lên đến 35, bởi các lí do sau: Thứ nhất, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay tăng, sức khỏe thể chất của con người Việt Nam đã cải thiện tốt hơn nhiều so với thời kì trước. Thứ hai là tập hợp được đông đảo hơn nữa lực lượng thanh niên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Thứ ba, tạo sự thuận lợi cho công tác xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Đồng thời, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Thanh niên thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, qua thống kê 196 quốc gia trên thế giới thì quy định độ tuổi thanh niên tối đa của các quốc gia trên 30 tuổi có 95 quốc gia, chiếm trên 48%; trong đó từ 35 đến 40 tuổi là 45 quốc gia, chiếm tỉ lệ gần 23%. Đây cũng là một kênh để Việt Nam tham khảo khi xây dựng độ tuổi tối đa của Luật Thanh niên.

Từ thực tiễn bản thân đang công tác tại cơ quan Đoàn Thanh niên tôi thấy rằng, nếu quy định độ tuổi thanh niên tối đa 30 tuổi thì các cơ sở đoàn khu vực hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có rất ít đoàn viên, khó hoạt động. Bởi xu thế hiện nay các sinh viên ra trường thường tiếp tục học thêm hoặc tham gia trải nghiệm ở các lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước, sau đó mới thi tuyển vào cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 8, về Tháng Thanh niên. Qua thực tiễn, muốn phong trào thanh niên tình nguyện phát triển sôi nổi, hiệu quả, đồng thời tạo hiệu ứng mạnh mẽ từ xã hội thì cần có không gian, thời gian thỏa đáng để thu hút, tập hợp đông đảo thanh niên tham gia với các công trình, phần việc cụ thể, vì thế cần có một Tháng Thanh niên. Vào năm 2003, Đoàn Thanh niên đã tự phát động Tháng Thanh niên rất thành công, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội. Từ thực tiễn đó, Đoàn Thanh niên đã báo cáo xin chủ trương và năm 2004 là năm đầu tiên Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên. Vì vậy, tôi thống nhất với việc quyết định Tháng Thanh niên vào dự thảo luật và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định về mục đích, nội dung của Tháng Thanh niên vào dự thảo luật để tạo điều kiện cho Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động.

Điều 14, 15 về quyền lao động và nghĩa vụ lao động của thanh niên. Thanh niên là nguồn nhân lực lao động vô cùng quan trọng của đất nước. Năng suất, hiệu quả lao động của thanh niên cao hơn so với các độ tuổi lao động khác. Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh phần lớn thanh niên có chí hướng, năng động, hăng say lao động sản xuất vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh niên có lối sống thực dụng, lười lao động, thích hưởng thụ, ăn chơi, sa vào các tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, tại các điều luật cần nhấn mạnh lao động chính là quyền và nghĩa vụ của thanh niên, thanh niên phải có nghĩa vụ lao động tạo thu nhập để đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Điều 26, 27 quyền, nghĩa vụ về hoạt động khoa học- công nghệ và bảo vệ tài nguyên môi trường. Đối với hai lĩnh vực này phải khẳng định rằng thanh niên là lực lượng đi đầu. Chính vì vậy các điều luật tại mục này cần phải quy định để làm rõ được vai trò, trách nhiệm của thanh niên. Tại khoản 1 Điều 27 quy định thanh niên phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ. Theo tôi, cần quy định nhấn mạnh hơn nữa là thanh niên phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ, làm chủ những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến.

Điều 29 quyền về hôn nhân và gia đình. Điều luật quy định thanh niên được giáo dục kiến thức về hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Tại điều luật này, tôi đề nghị cần bổ sung thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản, đây là kiến thức hết sức cần thiết cho thanh niên trước ngưỡng cửa hôn nhân và trong thực tế thanh niên hiện nay còn thiếu hụt kiến thức này.

Điều 30 nghĩa vụ trong hôn nhân và gia đình. Hiện nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại, đặc biệt là đối với thanh niên dân tộc thiểu số, để lại hậu quả xã hội lớn. Vì vậy, ngoài các quy định đã được nêu tại khoản 3, tôi đề nghị cần bổ sung thêm nghĩa vụ của thanh niên trong hôn nhân và gia đình, đó là không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống.

Điều 41 chính sách đối với thanh niên làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Khoản 2 Điều 41 quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh có chính sách đào tạo dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên sau khi kết thúc hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo tôi quy định như thế này thiếu tính khả thi. Bởi vì trên thực tế, độ tuổi thanh niên rời quê đi làm xa thường ít quay về ở địa phương ở độ tuổi 30 và thường là sau độ tuổi này. Vậy thì có được hưởng những chính sách quyền lợi của thanh niên không? Vì vậy, cần nghiên cứu để quy định có tính khả thi hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!

Phạm Hồng Nam (tổng hợp)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=144106