Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo

Lời Tòa soạn: Bộ Công an đã hoàn thành Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo và công bố, lấy ý kiến trong vòng 2 tháng (từ 9/3/2020 đến 9/5/2020). Đây là bản dự thảo có nhiều nội dung mới, do cần phải sửa đổi, bổ sung để thay thế những quy định hiện hành tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Theo dự kiến, bản dự thảo này sẽ trình Chính phủ xem xét cho ý kiến và thông qua vào Quý IV năm 2020. Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần sẽ lần lượt giới thiệu nội dung Dự thảo Nghị định.

Pháo hoa tầm cao là loại pháo hoa sử dụng ống phóng bằng vật liệu bền, chiều cao bắn lớn hơn 120 mét

Pháo hoa tầm cao là loại pháo hoa sử dụng ống phóng bằng vật liệu bền, chiều cao bắn lớn hơn 120 mét

Điều 18. Mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tham dự hội thi bắn pháo hoa quốc tế tại Việt Nam được mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trường hợp không sử dụng hết phải mang ra đầy đủ số pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa còn lại; không được bán lại hoặc sử dụng vào mục đích khác tại Việt Nam.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:

a) Văn bản của Ban tổ chức hội thi bắn pháo hoa quốc tế đề nghị cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trong đó nêu cụ thể số lượng đoàn nước ngoài tham gia; chủng loại; số lượng pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa của từng đoàn; họ, tên, số hộ chiếu của người đại diện của từng đoàn; thời gian, cửa khẩu các đoàn mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b) Bản sao ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức hội thi bắn pháo hoa quốc tế;

c) Quyết định thành lập Ban tổ chức hội thi bắn pháo hoa quốc tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Giấy giới thiệu kèm theo bản sao một trong các giấy tờ sau: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ.

3. Hồ sơ quy định tại các khoản 1 Điều này lập thành 01 bộ và nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 19. Cấp giấy phép vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa

1. Việc vận chuyển pháo hoa thực hiện theo quy định sau đây:

a) Phải có mệnh lệnh vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa hoặc Giấy phép vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa của cơ quan có thẩm quyền;

b) Bảo đảm bí mật, an toàn;

c) Sử dụng phương tiện chuyên dùng bảo đảm điều kiện vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa và bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường;

d) Không được chở pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa và người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển;

đ) Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa ở nơi đông người, khu vực dân cư, gần trạm xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ khi cần thiết.

2. Thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định sau đây:

a) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị nêu rõ lý do, số lượng, chủng loại pháo hoa, thuốc pháo, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa cần vận chuyển, nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển; họ và tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm vận chuyển, người điều khiển phương tiện; biển kiểm soát của phương tiện; giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ;

b) Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này lập thành 01 bộ và nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Giấy phép vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển; trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hoàn tất việc vận chuyển, phải nộp lại cho cơ quan đã cấp giấy phép.

3. Thủ tục cấp mệnh lệnh vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 20. Thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép xuất, nhập khẩu pháo hiệu

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu hàng hải, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị nhập khẩu pháo hiệu hàng hải, trong đó ghi rõ chủng loại, số lượng, nước sản xuất, quy cách sản phẩm, đặc điểm và công dụng, ký mã hiệu, thời hạn sử dụng của từng loại; thời hạn nhập khẩu;

b) Bản dịch có chứng thực Giấy chứng nhận xuất xứ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước sản xuất xác nhận việc pháo hiệu hàng hải đã được thử nghiệm phù hợp với các quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế;

c) Báo cáo của tổ chức, cá nhân về tình hình thực hiện Giấy phép nhập khẩu của năm trước đó và bản theo dõi Giấy phép nhập khẩu của Chi cục Hải quan cửa khẩu (nếu có).

2. Hồ sơ quy định tại các khoản 1 Điều này lập thành 01 bộ và nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Cơ quan Công an có thẩm quyền không cấp Giấy phép nhập khẩu pháo hiệu hàng hải trong trường hợp pháo hiệu hàng hải đã hết thời hạn sử dụng hoặc có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Điều 21. Thủ tục trang bị pháo hiệu

1. Thủ tục trang bị pháo hiệu đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định sau đây:

a) Hồ sơ đề nghị bao gồm: văn bản đề nghị trang bị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân nêu rõ nhu cầu, điều kiện, số lượng, chủng loại pháo hiệu cần trang bị; bản sao quyết định thành lập cơ quan, tổ chức hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ;

b) Hồ sơ đề nghị trang bị công cụ hỗ trợ lập thành 01 bộ và nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép trang bị pháo hiệu và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện việc trang bị; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép trang bị pháo hiệu có thời hạn 30 ngày.

2. Thủ tục trang bị pháo hiệu đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về pháo trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh mục pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa.

2. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về pháo theo quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bao gồm:

a) Kiến nghị Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo cho phù hợp với Nghị định này;

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, sử dụng pháo; vận động nhân dân thu hồi pháo;

d) Ban hành biểu mẫu phục vụ công tác đăng ký, quản lý pháo thuộc phạm vi quản lý;

đ) Tổ chức đăng ký, cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép về pháo theo thẩm quyền;

e) Phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo;

h) Tổ chức thực hiện việc thu hồi, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy đối với pháo do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an giao nộp;

k) Kiểm tra việc quản lý, sử dụng pháo đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an;

m) Thống kê, tổng hợp tình hình, kết quả về công tác quản lý, sử dụng pháo theo thẩm quyền;

n) Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.

Điều 23. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển tiến hành tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, biển, đảo để phát hiện, xử lý các hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo.

2. Căn cứ vào kế hoạch bắn pháo hoa của các địa phương, chủ động tổ chức sản xuất pháo hoa bảo đảm chất lượng, số lượng, giá thành hợp lý. Chỉ được phép bán pháo hoa cho các đơn vị, địa phương được phép tổ chức bắn pháo hoa theo quy định;

3. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quốc phòng có liên quan chuẩn bị nhân lực, phương tiện kỹ thuật, thiết bị phục vụ cho việc bắn pháo hoa;

4. Phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt việc vận chuyển, bắn pháo hoa bảo đảm an toàn và đúng quy định;

5. Phối hợp với Bộ Công an trong việc bảo quản, tiêu hủy pháo các loại.

Điều 24. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Theo dõi, kiểm tra việc tổ chức bắn pháo hoa của các địa phương; tổng hợp tình hình, báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức bắn pháo hoa.

2. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội thi bắn pháo hoa quốc tế tại Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

3. Xem xét, quyết định việc thay đổi tầm bắn, thời lượng bắn pháo hoa đối với các trường hợp theo quy định của Nghị định này.

Điều 25. Trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan

1. Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng trái phép các loại pháo.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Hải quan tiến hành kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu để ngăn chặn, xử lý các trường hợp nhập khẩu, xuất khẩu trái phép các loại pháo; hướng dẫn việc huy động và sử dụng kinh phí từ các nguồn hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để tổ chức bắn pháo hoa theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; bảo đảm kinh phí phục vụ cho việc tổ chức thực hiện Nghị định này.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo; tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện, giao nộp pháo.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo trong hệ thống giáo dục.

6. Các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng pháo; cung cấp số liệu phục vụ thống kê nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc nội dung quản lý nhà nước về pháo.

Điều 26. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý, sử dụng pháo.

2. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.

3. Bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức bắn pháo hoa tại địa phương theo quy định của pháp luật.

4. Quản lý chặt chẽ và thực hiện đúng quy định về tầm bắn pháo hoa, thời gian, thời lượng và địa điểm tổ chức bắn pháo hoa. Thông báo kết quả thực hiện về Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

5. Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng pháo.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

2. Bãi bỏ Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

3. Bãi bỏ Mục 9 Chương II Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải.

4. Bãi bỏ khoản 14 Điều 1 Nghị định số 147/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.

Điều 28. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/du-thao-nghi-dinh-ve-quan-ly-su-dung-phao/851876.antd