Đưa chính sách dân số vào thực tiễn

Việc thực hiện các chính sách dân số (DS) trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 thời gian qua được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng DS trong tình hình mới.

Các chế độ khuyến khích thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản luôn được quan tâm

Các chế độ khuyến khích thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản luôn được quan tâm

Nâng cao chất lượng dân số

Nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác DS và phát triển. Ngày 11/9/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định (QĐ) số 40/2024/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 1 QĐ số 22/2021/QĐ-UBND, ngày 29/6/2021 của UBND tỉnh triển khai, thực hiện Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND, ngày 30/3/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách DS trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 đã được sửa đổi, bổ sung tại QĐ số 04/2023/QĐ-UBND, ngày 01/02/2023 của UBND tỉnh.

Chi cục trưởng Chi cục DS tỉnh - Đoàn Văn Ngà cho biết: Nội dung trọng tâm của QĐ được sửa đổi, bổ sung là chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng DS cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội; sống tại vùng biên giới, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, còn có chính sách khuyến khích cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; chế độ khen thưởng, khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng DS đối với tập thể và cá nhân.

Đặc biệt, còn có các chế độ khuyến khích thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; chính sách khuyến khích cộng tác viên DS, gia đình và trẻ em; khuyến khích các hoạt động nâng cao chất lượng DS.

Tại các địa phương, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh thực hiện bằng hình thức đa dạng. Nhiều giải pháp thiết thực được triển khai, từng bước đưa chính sách DS đến với người dân, nhất là người dân ở vùng biên giới, vùng khó khăn và người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Chung thông tin: Thời gian qua, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao đời sống người dân, trong đó có nâng cao chất lượng DS. Ngoài nghiêm túc triển khai các mô hình, đề án, lãnh đạo địa phương còn quan tâm theo dõi, đôn đốc, khuyến khích đội ngũ làm công tác DS, đặc biệt là lực lượng cộng tác viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động, đưa chính sách DS mới đến với từng hộ dân.

Hoạt động giám sát việc thực hiện phong trào DS - sức khỏe sinh sản được quan tâm. Với nhiều giải pháp thiết thực, xã có 3 năm liên tục (2022, 2023, 2024) duy trì mô hình 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Từ đó, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương.

Đưa dịch vụ y tế đến với hộ nghèo, cận nghèo

Theo QĐ số 40/2024/QĐ-UBND, ngân sách nhà nước sẽ chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, sống tại vùng biên giới, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn trong tỉnh khi thực hiện triệt sản (thực hiện phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu) và khám chẩn đoán, xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng cơ bản (X-quang, siêu âm, công thức máu, thời gian máu đông, máu chảy, HIV, viêm gan siêu vi B) được cấp thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Việc đặt, tháo dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai; cấy, tháo que cấy tránh thai và cấp thuốc theo quy định của Bộ Y tế cho đối tượng trên có đăng ký sử dụng cũng được ngân sách nhà nước chi trả.

Chính sách này giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại. Bà Nguyễn Thị Đào (ấp 4, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên được hưởng các dịch vụ như siêu âm, X-quang, xét nghiệm máu,... khi khám và điều trị bệnh. Qua đó, giúp tôi giảm bớt khó khăn về tài chính”.

Công tác tuyên truyền, vận động nhằm đưa chính sách dân số mới đến với từng hộ dân được chú trọng thực hiện

Công tác tuyên truyền, vận động nhằm đưa chính sách dân số mới đến với từng hộ dân được chú trọng thực hiện

Ngoài ra, trường hợp triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai, cấy thuốc tránh thai tại các cơ sở y tế bị tác dụng phụ, tai biến, vỡ kế hoạch khi hút, nạo, phá thai (trường hợp bỏ thai) hoặc khi sinh con (trường hợp để thai) được ngân sách nhà nước chi trả để chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

Trường hợp vượt khả năng chuyên môn của tuyến tỉnh phải chuyển tuyến trên theo quy định được thanh toán lại 100% chi phí điều trị đối với trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế hoặc thanh toán 100% phần người bệnh đồng chi trả theo quy định đối với người có thẻ bảo hiểm y tế.

Người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, sống tại vùng biên giới, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn có đăng ký sử dụng thuốc viên uống tránh thai, bao cao su thì được cấp miễn phí.

Theo QĐ được sửa đổi, bổ sung lần này thì ngân sách nhà nước còn chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cơ sở y tế trong tỉnh khi hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; sống tại vùng biên giới, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn thực hiện các kỹ thuật tầm soát trước sinh ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi. Trẻ sinh ra được thực hiện kỹ thuật tầm soát sơ sinh ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất để phát hiện sớm một số bệnh lý bẩm sinh.

Ảnh: Quang Nguyên

Ảnh: Quang Nguyên

Có thể khẳng định, QĐ số 40/2024/QĐ-UBND có nhiều chính sách DS hướng đến quyền và lợi ích cho người dân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, chế độ khen thưởng 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con tạo điều kiện để các địa phương thực hiện các giải pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như nâng cao chất lượng DS./.

Quang Nguyên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dua-chinh-sach-dan-so-vao-thuc-tien-a182946.html