Đưa giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản vào trường học
Trong những năm qua, công tác dân số trong tình hình mới chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển (DS&PT) nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố chất lượng DS. Trong đó, vị thành niên, thanh niên được xem là một trong những đối tượng quan trọng của công tác truyền thông DS...
Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã và đang phối hợp các trường THPT: Dân tộc nội trú tỉnh, Tây Trà, Chu Văn An, Ba Tơ tổ chức nói chuyện chuyên đề sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì DS và Ngày Dân số Việt Nam (26.12).
Buổi nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.
Tại các buổi nói chuyện chuyên đề, các em học sinh phổ thông được nghe, tìm hiểu thế nào là vị thành niên, SKSS và SKSS vị thành niên. Các em được cung cấp các kiến thức về những thay đổi về thể chất và tâm lý, tình cảm tuổi vị thành niên, tình bạn và tình bạn khác giới; vấn đề phòng tránh có thai, phá thai ở tuổi vị thành niên, các biện pháp tránh thai, việc phòng tránh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và HIV; cách phòng tránh xâm hại, lạm dụng tình dục vị thành niên...
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, SKSS và giống nòi xảy ra tại các huyện miền núi là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2019, tại huyện Sơn Tây có 156 trường hợp tảo hôn/470 trường hợp kết hôn (35%), huyện Ba Tơ 403 tảo hôn/2.227 kết hôn (18%), huyện Sơn Hà 207 tảo hôn/2.763 kết hôn (7%)... Để nâng cao chất lượng DS, không còn tình trạng học sinh nghỉ học để kết hôn, các ban, ngành, chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn. Cùng với đó, cung cấp kiến thức về nguyên nhân, hậu quả của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho học sinh tại các trường học về tác hại của tảo hôn, tảo hôn cận huyết thống là điều rất cần thiết.
Thầy giáo Mai Văn Hội, giáo viên bộ môn Lịch sử - Giáo dục công dân (Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh) cho biết: Những năm trước, khi vấn đề tuyên truyền về kiến thức giáo dục DS, SKSS, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa phổ biến, thường diễn ra tình trạng các em học sinh nghỉ học để kết hôn. Việc tổ chức các buổi ngoại khóa nói chuyện chuyên đề về giáo dục DS, SKSS đối với các em học sinh, nhất là với các em Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh là rất bổ ích, hiệu quả, bởi các em đều là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, kiến thức về SKSS còn nhiều hạn chế. Các buổi nói chuyện đã giúp các em có nhận thức đúng đắn, sau đó mỗi em còn là “tuyên truyền viên” khi về quê hương chia sẻ lại thông tin, kiến thức cho người khác.
Ngoài ra, để góp phần đưa nội dung DS&PT vào các hoạt động ngoại khóa của trường học, vừa qua, Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn cho 80 giáo viên của 38 trường THPT trên toàn tỉnh về các nội dung này... Đây là một trong những nội dung trọng tâm của công tác phối hợp giữa Sở GD&ĐT và Chi cục DS - KHHGĐ trong Chương trình DS&PT, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục DS trong trường học. Bởi thầy cô giáo là những người có vai trò quan trọng trong việc quan tâm, theo dõi, định hướng, là những tư vấn viên kịp thời cho các em học sinh.