Đưa hoạt động xe đưa rước học sinh vào khuôn khổ

Ngay từ đầu năm học 2024-2025, nhiều phụ huynh đã lựa chọn xe đưa rước học sinh (ĐRHS) để đưa con em đến trường, về nhà an toàn. Những tuần qua, ngành chức năng đã tăng cường các giải pháp để đưa hoạt động xe ĐRHS vào khuôn khổ.

Học sinh xuống từ xe đưa rước học sinh trên đường Nguyễn Ái Quốc (thành phố Biên Hòa). Ảnh: M.Thành

Học sinh xuống từ xe đưa rước học sinh trên đường Nguyễn Ái Quốc (thành phố Biên Hòa). Ảnh: M.Thành

Năm học mới, nỗi lo cũ

Từ đầu năm học 2024-2025 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra hàng chục lượt xe ĐRHS trước các trường học tại thành phố Biên Hòa và trên các tuyến đường nội thành. Điển hình như: khu vực Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (phường Tân Tiến), Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng (phường Bửu Long) và các trường học thuộc các phường: Trảng Dài, Tân Hiệp, Tân Phong, Long Bình Tân…, nơi có lượng lớn học sinh đi học, ra về bằng xe ĐRHS.

Ban An toàn giao thông thành phố Biên Hòa ghi nhận, các xe ĐRHS hiện nay cơ bản đảm bảo các quy định về kinh doanh vận tải hành khách như: còn trong thời hạn đăng kiểm, có phù hiệu vận tải, trang bị dụng cụ thoát hiểm, camera giám sát hành trình, hợp đồng ĐRHS... Một số trường tư thục còn yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp phiếu lý lịch tư pháp của tài xế để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 1 ngàn xe tham gia hoạt động ĐRHS, chủ yếu tập trung tại thành phố Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Long Thành… Các xe này được ký hợp đồng giữa nhà trường, giáo viên hoặc các nhóm phụ huynh. Trong đó, các xe được ký hợp đồng giữa nhà trường và giáo viên thường sẽ có giáo viên, nhân viên nhà trường đi cùng trên xe để kiểm soát việc lên xuống, đảm bảo an toàn.

Bên cạnh các xe có giáo viên, phụ xe thì vẫn còn không ít xe chỉ có tài xế làm nhiệm vụ ĐRHS kiêm phụ xe. Qua tìm hiểu, đây là những xe được các nhóm phụ huynh tự hợp đồng để ĐRHS. Việc này tiềm ẩn các yếu tố mất an toàn nếu như tài xế không kịp chú ý quan sát xung quanh xe, quan sát học sinh đã xuống xe hết hay chưa mà đã vội điều khiển xe đi tiếp.

Thực tế đã có không ít vụ việc thương tâm xảy ra liên quan đến sự lơ là của tài xế khi điều khiển xe ĐRHS. Gần đây nhất, vào ngày 29-5-2024, cháu T.G.H. (5 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) bị bỏ quên trên xe ĐRHS trong nhiều giờ dẫn đến tử vong. Đáng nói, tài xế và giáo viên đi theo chiếc xe trên đã không kiểm tra lại xe trước khi đóng cửa. Tại Đồng Nai, trưa 8-2-2023, xe ĐRHS va chạm với một học sinh lớp 3 tại gần cổng Trường tiểu học Hà Huy Giáp (thành phố Biên Hòa), khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn về an toàn khi tham gia giao thông và các biện pháp đảm bảo an toàn trong đưa rước học sinh bằng xe ô tô cho giáo viên, học sinh. Trong đó, lưu ý hướng dẫn cụ thể, thực tế các quy định về an toàn khi ngồi trên xe ô tô và kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, khi bị kẹt hoặc bỏ quên trên xe.

Phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức, quản lý, kiểm tra

Theo Sở Giao thông vận tải, những năm gần đây, việc kiểm tra xe ĐRHS được lực lượng chức năng chú trọng. Điển hình như trong năm học 2023-2024, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản vi phạm 115 trường hợp liên quan đến xe ĐRHS với tổng số tiền xử phạt gần 490 triệu đồng; chủ yếu là các hành vi: dừng, đậu sai quy định; vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách… Nhờ vậy, trong năm học 2023-2024, toàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông cũng như các vụ việc mất an toàn, nguy hiểm trong hoạt động ĐRHS bằng xe ô tô.

Trong năm học 2024-2025, Sở Giao thông vận tải đặt ra mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp tổ chức, quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động ĐRHS bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông cũng như các vụ việc mất an toàn liên quan đến xe ĐRHS trên địa bàn tỉnh trong suốt năm học.

Để việc này được các ngành chức năng chung tay thực hiện với trách nhiệm cao nhất, cuối tháng 8-2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong hoạt động ĐRHS bằng xe ô tô trên toàn tỉnh năm học 2024-2025. Trong đó, UBND tỉnh đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức hoạt động vận tải phục vụ ĐRHS; công tác phối hợp quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động ĐRHS bằng xe ô tô; các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT tại các trường học.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Huy Khánh cho hay, sở đã yêu cầu các trường học rà soát nhu cầu để tổ chức các tuyến ĐRHS bằng xe nội bộ hoặc lựa chọn, ký kết hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện theo quy định. Sở cũng nhắc nhở các trường học thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động ĐRHS tại trường, kiên quyết chấm dứt hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải không tuân thủ các quy định pháp luật về ATGT.

UBND tỉnh giao Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm lòng, lề đường, hành lang ATGT và tổ chức phân luồng giao thông trên các tuyến đường trọng điểm, đặc biệt là khu vực gần cổng các trường học có tình hình giao thông phức tạp. Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở cao điểm tổng kiểm tra, xử lý các phương tiện, lái xe tham gia ĐRHS vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT.

Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa Nguyễn Thanh Phú cho hay, phòng đã phối hợp thực hiện rà soát, bố trí biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, biển cảnh báo và tổ chức ATGT trên các tuyến đường đi qua khu vực có trường học, đặc biệt là phạm vi 500m tính từ cổng các trường học. Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị từ các trường, từ người dân, từ cơ quan liên quan để điều chỉnh hệ thống biển báo, tổ chức giao thông phù hợp trước các cổng trường học.

Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202410/dua-hoat-dong-xe-dua-ruoc-hoc-sinh-vao-khuon-kho-5ee7038/