Đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào Đan Lai
Thời gian qua, Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hiệu quả từ các hoạt động này đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở khu vực biên giới.
Vượt 20km đường rừng, đoàn công tác của Đồn Biên phòng Môn Sơn và xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) có mặt tại bản Co Phạt để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào nơi đây. Tại hội trường của bản, đồng bào đã có mặt rất sớm để tham gia. Nội dung của đợt tuyên truyền nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em, tuyên truyền đến các bậc phụ huynh không để học sinh là con em của mình bỏ học giữa chừng...
Đại úy Vi Văn Bằng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết: Bản Co Phạt và bản Búng cách xa trung tâm xã Môn Sơn hàng chục km đường rừng, nơi đây chủ yếu là đồng bào Đan Lai sinh sống, phong tục, tập quán còn nhiều lạc hậu, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, do vậy, chúng tôi luôn ý thức việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối đưa pháp luật lan tỏa vào đời sống của người dân. Thông qua đó, tạo chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, từng bước ngăn chặn và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật. Để đồng bào dễ hiểu và tiếp thu, nội dung tuyên truyền được xây dựng bằng các PowerPoint trình chiếu ngắn gọn, phong phú về hình ảnh, phù hợp với đồng bào, cán bộ tuyên truyền cũng đã có những dẫn chứng, câu chuyện cụ thể xảy ra trên địa bàn để tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống tai nạn thương tích.
Trưởng bản Co Phạt La Văn Tám cho biết: "Bản có 124 hộ dân sinh sống, hiện nay, trong bản vẫn còn tình trạng tảo hôn, vì vậy, địa phương và đồn Biên phòng đã tuyên truyền pháp luật cho bà con với nhiều hình thức phong phú. Các nội dung rất thiết thực với đời sống của đồng bào, giúp bà con hiểu quy định của pháp luật để thực hiện tốt hơn".
Trong chương trình tuyên truyền, Đồn Biên phòng Môn Sơn, cấp ủy, chính quyền địa phương và Trường Trung học cơ sở Môn Sơn cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động các em học sinh có ý định bỏ học và bỏ học nhiều ngày trở lại trường. Ban vận động đã trực tiếp gặp gỡ từng phụ huynh có con đang học tập ở Trường Trung học cơ sở Môn Sơn để trao đổi, phân tích rõ những thiệt thòi khi các em không đến trường đi học, qua đó, nhằm nâng cao nhận thức cho phụ huynh trong việc cho con em đến trường đi học. Với sự kiên trì thuyết phục, Ban vận động đã gặp gỡ, vận động được 6 em học sinh vắng học nhiều ngày và 7 em có ý định bỏ học quay trở lại trường học tập.
Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Đồn Biên phòng Môn Sơn phối hợp với địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức như soạn tờ rơi phát tận tay cho bà con, tập trung tại hội trường, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của bản và trực tiếp đến tận từng hộ gia đình trong bản để tuyên truyền. Đồng thời, tổ chức cho người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật.
Trực tiếp tham gia tuyên truyền cùng BĐBP, chị Hà Thị Hướng, Bí thư Đoàn xã Môn Sơn cho biết: "Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, khi người dân tập trung tại hội trường, chúng tôi đã lồng ghép tổ chức các trò chơi vui nhộn, hát tập thể, tạo không khí vui vẻ, thu hút sự tham gia của các bạn trẻ nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền".
Cùng với đó, Đồn Biên phòng Môn Sơn còn phối hợp với địa phương giúp đồng bào phát triển kinh tế bằng những mô hình cụ thể như hỗ trợ cây, con giống và cử cán bộ “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân phát triển chăn nuôi, sản xuất. Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết: "Giúp đồng bào yên tâm phát triển sản xuất, chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đơn vị đã cử cán bộ phụ trách phối hợp với địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho các hộ trong quá trình chăn nuôi, trồng lúa. Chúng tôi tuyên truyền cho bà con phải để con giống mà phát triển chăn nuôi, không được làm thịt, cúng vía... Từ chỗ chỉ khai thác lâm sản theo tự nhiên, người Đan Lai nay đã biết trồng rừng nguyên liệu, nhận khoán bảo vệ rừng cho Vườn quốc gia Pù Mát, trồng lúa nước, làm trang trại. Nhiều hộ đã mua sắm được ti vi, xe máy, mở tiệm tạp hóa, đời sống của gia đình ngày càng khá giả"...
Một trong những hộ có bước tiến đột phá là gia đình ông La Văn Linh, ngoài trồng lúa nước tự túc được lương thực, gia đình ông Linh còn chăn nuôi trâu, bò và nhiều gà, vịt; cuối năm 2023, ông Linh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Từ địa bàn với 100 % hộ nghèo, đến nay, ở bản Co Phạt, ngoài gia đình ông La Văn Linh, còn có hộ gia đình anh Lê Văn Đường đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đó là minh chứng rõ rệt cho tính hiệu quả, thiết thực của chủ trương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kết hợp hỗ trợ đồng bào Đan Lai phát triển kinh tế.