Đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng

Ngày 15/10, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 với chủ đề 'Dòng sông ánh sáng' tổ chức tại TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) khép lại, nhưng được cho là đã mở ra cơ hội mới thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật múa, tạo ra giá trị sản phẩm du lịch cũng như công nghiệp văn hóa.

Một tiết mục múa tại sân khấu Pơ Lang. Nguồn ảnh: BTC.

Một tiết mục múa tại sân khấu Pơ Lang. Nguồn ảnh: BTC.

Theo NSND Phạm Anh Phương - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, ngoài cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thi tài giữa các nghệ sĩ, tôn vinh nghệ thuật múa thì Tuần lễ Múa Việt Nam còn đáng chú ý với hội thảo “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại”.

Lan tỏa nghệ thuật múa

3 hoạt động trọng tâm của Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 bao gồm: Lễ khai mạc công diễn vở múa đương đại “SESAN” vào 20 giờ ngày 13/10; Cuộc thi tác phẩm múa dân tộc Việt Nam vào 19 giờ 30 ngày 14/10; Hội thảo toàn quốc với chủ đề “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại” diễn ra lúc 8 giờ 30 ngày 15/10.

Đây là lần thứ hai Tuần lễ Múa Việt Nam được tổ chức (lần thứ nhất vào năm 2023). Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho biết, Tuần lễ Múa Việt Nam lần này được kỳ vọng kết nối giữa nghệ thuật - văn hóa - du lịch, thúc đẩy sự phát triển, kết nối giữa nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, giá trị nghệ thuật múa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng với “nghệ thuật chuyển động” trong khu vực và quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật múa, từ đó, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa.

Trong những ngày diễn ra Tuần lễ Múa Việt Nam 2024, khán giả TP Kon Tum đặc biệt hào hứng khi được tận mắt thưởng lãm nhiều tiết mục múa chuyên nghiệp, thể hiện bởi những nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn. Ngay trong tối 13/10, tại Nhà Rông KonKlor, vở múa đương đại “SESAN” đã khiến khán giả bị cuốn hút trước vẻ đẹp của văn hóa Tây Nguyên trong sự giao thoa văn hóa cũng như gắn kết cộng đồng của các dân tộc cùng chung sống bên những dòng sông hùng vĩ như dòng Sê San, Sêrêpôk, Krông Anna...

Còn tại sân khấu Pơ Lang (Khách sạn Indochine), đêm 14/10, khán giả lại được thưởng thức nhiều tác phẩm múa của các dân tộc Việt Nam. Trên nền truyền thống, nhiều tác phẩm đã thực sự hấp dẫn khi được đưa vào những kỹ thuật múa hiện đại, cũng như câu chuyện được kể lại một cách gần gũi với con người hôm nay.

Đáp ứng thị hiếu công chúng mới

Theo dòng chảy thời gian, nghệ thuật múa Việt Nam từ khi hình thành đã mang dấu ấn của cư dân nông nghiệp gắn bó với thiên nhiên, với các vũ điệu mô tả cảnh sản xuất, săn bắn. Đời sống cộng đồng, cộng cảm được thể hiện rõ nét qua múa, mà trước hết là những điệu dân vũ.

Tuy nhiên, các điệu dân vũ không dừng lại ở mô phỏng mà ngày càng được cách điệu, biến hóa, nghệ thuật hóa. Tình cảm và tính cách nhân vật được thể hiện rõ nét ở động tác múa, cả múa dân gian lẫn múa cung đình.

Nhiều ý kiến tại hội thảo “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại” cho rằng, qua hàng trăm năm, nghệ thuật múa của người Việt Nam đã phát triển không ngừng, từ điệu thức đơn giản đến phức tạp, từ quy mô một vùng mở rộng ra nhiều khu vực và phát triển với nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề đặt ra cho những người làm công tác nghệ thuật múa là phải tìm ra cái mới, thể hiện được hơi thở, nhịp sống của ngày hôm nay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng trong thời đại mới.

Tuy nhiên, việc kế thừa nghệ thuật múa dân tộc truyền thống là rất quan trọng. Vì đó là cội nguồn. Các sáng tạo mới cần gìn giữ và làm giàu hơn bản sắc dân tộc. Nhất là trong giai đoạn mà sự giao thoa giữa các nền văn hóa, các phong cách, trào lưu nghệ thuật bùng nổ như hiện nay.

Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, nhiều năm qua các biên đạo đã đi bằng những con đường khác nhau, tìm kiếm sáng tạo theo nhiều xu hướng khác nhau nhưng cùng đến một đích: múa Việt Nam dân tộc hiện đại; để tạo nên những giá trị thẩm mỹ, sự lôi cuốn, sức hấp dẫn đầy ấn tượng cho tác phẩm múa.

Cần cái nhìn sâu sắc

Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng khi mà du lịch phát triển mạnh mẽ thì vấn đề nghệ thuật phục vụ du khách phải được nghiên cứu đầy đủ, biên đạo kỹ càng, nếu không sẽ dẫn tới việc trao truyền và thực hành không chính xác. Điều đó có thể được hiểu là trong cơ chế thị trường, nghệ thuật biểu diễn nói chung và múa nói riêng cần phải có một cái nhìn đúng đắn và sâu sắc.

Vì thế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong một thế giới phẳng như hiện nay, sự thay đổi về thị hiếu thưởng thức các loại hình nghệ thuật là điều không thể tránh khỏi. Đây là cơ hội và cũng là thách thức, trong đó có nghệ thuật múa.

NSND Lê Huân - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP Đà Nẵng từng cho rằng, nghề múa xưa nay vốn lắm gian nan, không phải ai yêu nghề cũng có thể theo được. Những khó khăn, thách thức của nghệ thuật múa chỉ những người trong cuộc mới có thể cảm nhận rõ nhất. Con đường trở thành nghệ sĩ múa đòi hỏi sự khổ luyện rất công phu nhưng thù lao của diễn viên múa lại thường thấp. Trong khi đó, việc đào tạo lớp kế cận cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc tuyển sinh.

Khó khăn “đầu vào” đó có thể thấy qua 2 năm gần đây, Học viện Múa Việt Nam đều tuyển sinh không đủ chỉ tiêu: năm 2022, có 34 thí sinh nhập học/60 chỉ tiêu; năm 2023 có 34 thí sinh nhập học/50 chỉ tiêu.

Như vậy, thách thức phía trước với nghệ thuật múa Việt Nam là rất lớn, cần phải vượt qua, đồng thời nắm bắt cơ hội để nghệ thuật chuyên biệt này có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Trong đó có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030.

Phương Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dua-nghe-thuat-mua-den-gan-hon-voi-cong-chung-10292383.html