Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Yên Lập xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Yên Lập tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần xây dựng NTM.

Yên Lập tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần xây dựng NTM.

Để NQ19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 đi vào cuộc sống, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, chủ yếu được huyện triển khai là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nhân dân, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Theo đó, huyện chú trọng chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.

Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo của huyện đạt 66%, đạt kế hoạch của năm và tăng 1% so với cùng kỳ, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 31%. Đồng thời huyện đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn. Hiện tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội của huyện đạt 43,85%, giảm 1,85% so với kế hoạch và giảm 1,85% so với cùng kỳ.

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, huyện chỉ đạo quyết liệt chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có chất lượng, năng suất cao, giá trị kinh tế vượt trội vào sản xuất; phát triển mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị. Hiện trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất liên kết và tiêu thụ sản phẩm như: Mô hình lúa nếp Gà Gáy Mỹ Lung quy mô 24ha; liên kết sản xuất, tiêu thụ ớt xuất khẩu tại bảy xã, thị trấn với diện tích 20ha. Thực hiện cấp ba mã số vùng trồng xuất khẩu bưởi, diện tích 96,7ha; bốn mã số vùng trồng bưởi nội địa, diện tích hơn 108ha; hai mã số vùng trồng chè nội địa, diện tích 47ha. Trên địa bàn xuất hiện một số đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi lợn, gà như: Công ty CP nông nghiệp An Tâm, Công ty TNHH đầu tư PT chăn nuôi lợn DABACO, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH JapFa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feed Mil...

Trong nuôi trồng thủy sản, hiện toàn huyện đã đạt diện tích gần 700ha, sản lượng khai thác ước đạt 1.647 tấn. Huyện đã tổ chức mô hình nuôi thâm canh cá lồng tại hồ chứa nước Ngòi Giành xã Trung Sơn được 27 lồng, cho hiệu quả kinh tế cao. Lĩnh vực lâm nghiệp của huyện tập trung nâng cao độ che phủ rừng, hiện độ che phủ đã đạt 61,68%; thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững trên 2.000ha, chuyển hóa rừng gỗ lớn được 40ha. Đến nay, giá trị sản phẩm bình quân trên một ha đất canh tác và thủy sản của huyện đạt 118 triệu đồng/ha/năm.

Đối với nông thôn, huyện tập trung xây dựng NTM theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm... từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Cùng với đó, huyện quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Huyện đã thu hút, mời gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án tại Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập, Cụm công nghiệp Lương Sơn, phối hợp với nhà đầu tư tập trung xây dựng Cụm công nghiệp Đồng Lạc. Đến nay đã có 7/14 nhà đầu tư thuê đất hoàn thiện dự án, đi vào sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 1.300 lao động. Đồng thời thu hút ba doanh nghiệp đầu tư sản xuất ngoài cụm công nghiệp tại các xã Mỹ Lung, Hưng Long, Ngọc Đồng, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động tại địa phương.

Song song với thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phân tán ở các địa phương để sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như: Chế biến chè, sản xuất gạch không nung, tinh dầu quế, sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng, đồ mộc dân dụng, sửa chữa, cơ khí, chế biến nông, lâm sản cùng các dịch vụ khác... tạo ra giá trị sản xuất ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ nói chung của huyện và khu vực nông thôn ngày càng cao.

Thực hiện chính sách về “tam nông”, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển. Ngoài các chính sách của Trung ương, của tỉnh, Yên Lập đã ban hành một số chính sách để khai thác thế mạnh về phát triển kinh tế đồi rừng, phát triển cây chè, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc; đặc biệt là cơ chế, chính sách về dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng... được triển khai, áp dụng đồng bộ, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên làm giàu của nhân dân. Do đó, bộ mặt nông thôn từng bước được chỉnh trang, nâng cấp và phát triển; kinh tế tăng trưởng khá, ổn định, ngành nghề tạo ra thu nhập cao ở nông thôn ngày càng đa dạng, phong phú; văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 41,2 triệu đồng/người/năm, toàn huyện có 107 khu dân cư đạt chuẩn NTM, trong đó có ba khu dân cư đạt NTM kiểu mẫu.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song/206333.htm