Đưa nhiều câu chuyện đẹp hơn nữa để giúp cuộc đời thêm đẹp
Tiếp nhận theo dõi mảng thông tin về ngành Y tế cả nước từ những phóng viên kỳ cựu khác của Báo Gia đình & Xã hội cách đây gần 4 năm, bản thân tôi nhiều háo hức nhưng cũng lắm lo lắng. Háo hức là bởi đây là lĩnh vực thiết yếu, thông tin rất nhiều người quan tâm. Nhưng cũng lắm lo lắng, bởi đây là ngành của cơ quan chủ quản, thông tin vì thế phải tạo niềm tin bởi tính chuẩn xác, tốc độ nhanh…
Từ một dòng tin nhỏ đến ngọn lửa lòng nhân ái
Trong ngành Y có một lĩnh vực rất đặc biệt - hiến/ghép tạng. Tôi gọi là đặc biệt bởi lĩnh vực này, cứ một người được nhận mô, tạng, nghĩa là một người vừa ra đi. Nhưng cũng không gì nhân văn bằng ghép tạng, bởi qua đó, một con người được sống lại.
Dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2018, một dòng chia sẻ cảm xúc trên trang facebook cá nhân của Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) Nguyễn Hữu Hoàng sau khi anh trở về từ ca lấy giác mạc được hiến của cô bé Hải An (7 tuổi, ở Mỹ Đình, Hà Nội) khiến nhiều người “nổi gai ốc” vì xúc động. “Cô bé nằm đó như một thiên thần. Tôi bắt đầu công việc một cách nhẹ nhàng và cẩn thận nhất có thể như sợ sẽ phá giấc ngủ ngon lành ấy”, anh Hoàng viết.
Người mẹ của cô bé có cái tên rất đẹp đó, theo lời kể của anh Hoàng qua dòng status, chị đã ngắm đứa con gái duy nhất của mình rồi nói: “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé! Mẹ tự hào về con…”.
Đó không chỉ là một status bình thường hiện lên trên newfeed của chúng tôi. Đó là thông tin cực hay và chúng tôi ngay lập tức liên hệ với chủ nhân dòng tâm tư đó, để khai thác thêm thông tin.
Sau đó, dồn dập những bài viết về cô bé nhân ái cùng quyết định dũng cảm của mẹ của bé - chị Thùy Dương (SN 1984) đã đến với quý độc giả. Rất nhiều bình luận được để lại sau khi độ giả đọc bài viết trên báo chúng tôi. Ai nấy đều khâm phục và ấm lòng. Là người đưa thông tin tới bạn đọc, chúng tôi tin rằng, bé Hải An đã ra đi thanh thản bởi di nguyện cuối cùng của em đã thành hiện thực. Hai người khác đã tìm lại được ánh sáng nhờ giác mạc em gửi lại cho cuộc đời.
Cũng từ đó, nguồn cảm hứng sống tử tế của cô bé 7 tuổi đó, được truyền thông đặt tên “ngọn lửa Hải An” đã đến với hàng triệu người trên đất nước này. Hàng nghìn người đã bước qua rào cản để tự nguyện đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. “Một đứa trẻ còn làm được, cớ sao mình là người lớn lại không thể”. Họ học được rất nhiều điều từ câu chuyện của cô bé nhỏ Hải An đó. Để rồi, rất nhiều câu chuyện khác, như bé Vân Nhi (12 tuổi, ở Hà Nội), hay Thiếu tá Lê Hải Ninh (ở Ninh Bình), anh Dương Hồng Quý (ở Ninh Bình)… đã thành hiện thực. Họ đã cứu được rất nhiều người khác trở về cuộc sống bình thường, tìm được ánh sáng, hơi thở, đập trái tim yêu đời…
Dám công khai chuyện người thân hiến tạng
Có lần tôi hỏi chị Thùy Dương khi chị đến tham dự chương trình tọa đàm trực tuyến trên
Báo điện tử Giadinh.net.vn về vận động hiến tặng mô/tạng rằng, vì sao chị quyết định công khai câu chuyện của hai mẹ con với truyền thông, bởi trước đó, chuyện như chị rất hiếm?
Chị Thùy Dương nói bản thân chị hiểu rất rõ những áp lực chị sẽ phải tiếp nhận. Nhưng hiến tạng, hiến giác mạc là di nguyện cuối cùng của con gái chị, là điều tốt đẹp nên gia đình muốn làm, đó là nguồn động lực to lớn để chị sống tiếp. Khi chị kể câu chuyện con gái mình với mọi người đánh thức nhiều trái tim thiện nghĩa, cũng là cách để các bà mẹ, những vị phụ huynh có thêm động lực cho quyết định đó, thuyết phục gia đình, giúp họ có thể gặp con mình một lần nữa, thông qua hình hài người khác, dù con đã ra đi.
Tôi và nhiều người đã khóc khi chị nói điều đó. Bởi không phải ai cũng dũng cảm nói rằng “Con tôi/Chồng tôi/Vợ tôi đã hiến tạng đấy” như chị Dương, dù động cơ của chị trong sáng vô ngần.
Đi phỏng vấn, trò chuyện với những gia đình hiến tạng của người thân để cứu nhiều người khác, tôi cũng khóc nhiều lần khi những người còn sống ấy phải chịu tiếng xấu giữa bà con làng xóm, người đời, vì nghĩa cử cao đẹp của mình.
“Ở quê, khi biết nhà tôi hiến tạng của chồng, nhiều lời ra tiếng vào lắm. Họ nói nhà tôi nghèo, nên bán tạng của chồng đi để lấy tiền, chắc được rất nhiều tiền… Nhưng không sao, mình làm việc tốt mà!”, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi) - vợ anh Nguyễn Ngọc Khiêm (29 tuổi, ở Thái Bình), người đã hiến tạng sau khi chết não kể với tôi như vậy.
Chị Dương hiểu rằng, đôi mắt của Hải An như ánh sáng lan tỏa, thắp sáng niềm tin nhiều hơn cho cộng đồng, đôi mắt đó được hiện hữu tốt đẹp nhất. Còn chị Hằng, luôn có điểm tựa tinh thần là một phần thân thể của anh Khiêm vẫn còn hiện diện đâu đó trên cõi đời này. Đó là động lực sống của họ.
Tôi cảm phục chị Dương, chị Hằng, tôi cũng cảm phục chị Hoàng Thanh Phương (vợ anh Dương Hồng Quý, 43 tuổi, ở Ninh Bình - người hiến đa tạng hồi sinh sự sống cho 5 người xa lạ ngày 12/12/2018). Một cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thốt lên rằng, chưa bao giờ thấy một gia đình nào đôn đáo liên hệ với khắp mọi nơi để hiến tạng của người thân, khi biết anh không thể sống được nữa.
Rồi sau khi thực hiện được di nguyện đó, người phụ nữ có gương mặt đẹp ấy khiến nhiều người xúc động. Câu chuyện của anh Quý xua tan mọi nghi ngờ mà bao nhiêu năm nay dư luận đã nhẫn tâm “ném” vào gia đình những người hiến tạng, rằng “nhà nghèo thế, là bán tạng lấy tiền chứ đâu phải hiến”. Cái tiếng đó nhiều khi hằn sâu vào không khí từng gia đình, khiến nhiều người muốn làm điều tốt, cũng phải “giấu”.
Đó là bởi gia đình anh Quý có điều kiện, rất hạnh phúc với 2 con trai đã trưởng thành. Lúc còn khỏe mạnh, xem một chương trình về hiến ghép tạng, anh đã bày tỏ nguyện vọng này. Đến khi điều không may xảy ra, bị phình mạch máu não, anh đã dặn dò gia đình về nguyện vọng của mình. Anh đã gửi lại trái tim, phổi, gan và 2 thận của mình trong cơ thể của 5 người bệnh nặng…
20 ngày sau khi phổi của anh Quý vẹn nguyên trong lồng ngực bé Nguyễn Văn Đức (12 tuổi, Hải Dương), chị Thuần - mẹ bé Đức mới có cơ hội được gặp chị Phương. Chị xách 2 cân giò quê lên gặp gia đình ân nhân. Giây phút gặp nhau ấy chan chứa nước mắt, nghẹn ngào, khó nói thành lời. Chị Thuần người nhỏ thó, khắc khổ. 5 năm qua chị tất tưởi chữa bệnh cho con, sự vất vả hằn sâu trên gương mặt, dáng đi. Chị Phương nói chị chờ đợi cuộc gặp này, để động viên mẹ con chị Thuần sau ca ghép phổi. Chị Phương - chị Thuần, người vừa mất đi người thân, người như vừa sống lại bởi con mình được cứu ôm chầm lấy nhau. “Hai chị em mình cùng cố gắng nhé”, chị Phương nói.
Không một ai có thể cầm được nước mắt. Chúng tôi cũng vậy. Giữa cuộc đời còn lắm những nghi ngờ, rằng làm điều tốt phải “có động cơ”… thì cứ chứng kiến những câu chuyện đẹp đẽ không thể sắp xếp, dựng cảnh này, còn ai nghi ngờ nữa?
Nhân lên những câu chuyện đẹp trong cuộc đời
Tôi nhớ mãi lời ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, rằng mỗi câu chuyện tử tế như ngọn nến, cần được chia sẻ, nhen lên cho nhiều người biết được. Đó còn là “mồi” cho nhiều ngọn lửa khác cháy bừng lên cảm xúc, nhen lên những ngọn lửa tử tế khác.
Những người quyết định hiến tạng người thân khi vừa qua đời chắc chắn hiểu rõ những điều khó khăn, sức ép ở phía trước. Nhưng khi làm được điều tử tế, thiện nghĩa, thanh thản, hợp với tâm nguyện người ra đi, chẳng phải mọi sức ép ấy cũng trở nên nhỏ bé hay sao?
So với nhóm phóng viên nội chính, kinh tế… hầu hết những phóng viên y tế đều là nữ giới, nhiều cảm xúc và nhanh rơi nước mắt. Khi may mắn biết được những trường hợp tuyệt đẹp như bé Hải An, như chuyện chị Hằng - anh Khiêm, anh Quý - chị Phương, chúng tôi hiểu rằng cần phải truyền thông nhiều hơn, đem đến cho độc giả những câu chuyện đẹp đẽ, những con người đẹp đẽ, để người dân hiểu hơn về hiến - ghép tạng và tự biết mình sẽ sống ra sao để đẹp đẽ. Hoặc chí ít, để người dân bớt đi những ánh mắt dị nghị, những lời nói chưa phải về những gia đình hiến tạng tự nguyện.