Đưa nông sản Bắc Kạn vươn xa

Nhờ chất lượng an toàn, giá cả cạnh tranh, sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn được đánh giá có nhiều tiềm năng vươn xa, chinh phục người tiêu dùng (NTD) trong và ngoài nước.

Giữa tháng 7 vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan (Bắc Kạn) đã ký kết hợp đồng với Công ty DALAT Spol.s.r.o (Praha, Cộng hòa Séc) xuất khẩu (XK) 5,3 tấn miến dong. Trước khi XK, sản phẩm miến dong của HTX đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe nhất, được phía bạn công nhận đủ điều kiện đưa sang thị trường châu Âu.

Sản phẩm miến dong XK sang Séc cũng bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn. Lô hàng đầu tiên theo đường biển từ cảng Hải Phòng và sẽ cập bến, dỡ hàng tại cảng Hamburg (CHLB Đức) trước khi vận chuyển theo đường bộ tới Cộng hòa Séc. Tổng giá trị đơn hàng gần 15 nghìn USD. Đây là lần đầu tiên, một sản phẩm nông sản có tiếng của Bắc Kạn vươn tới thị trường châu Âu. Mặc dù số lượng XK còn hạn chế, nhưng đây được coi là khởi đầu cho mặt hàng miến dong nói riêng và nhiều sản phẩm đặc sản khác của tỉnh Bắc Kạn nói chung có thể thâm nhập được vào thị trường khó tính như châu Âu.

Nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Cùng với miến, xác định nông-lâm nghiệp là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế, từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung xây dựng một số vùng chuyên canh cây trồng, tạo ra nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng, hướng đến XK sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu.

Lợi thế của Bắc Kạn được chuyên gia đánh giá là nước sạch, đất sạch, không khí sạch… Nếu sản xuất, chăm sóc đúng quy trình sẽ cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ví dụ điển hình là sản phẩm từ quả mơ, củ gừng đã có mặt tại thị trường Nhật Bản và đang ngày càng phát triển. Hiện, Bắc Kạn đã có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP "Mỗi xã một sản phẩm", tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, chứng nhận Chỉ dẫn địa lý… thể hiện được nhận thức và quyết tâm sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các loại mặt hàng đạt được những tiêu chuẩn trên có sức bán cao hơn các sản phẩm cùng loại, nhưng chưa có thương hiệu. Nhưng chỉ dừng ở tiêu chuẩn trên thì nông sản Bắc Kạn chưa đủ điều kiện XK, mà chỉ là sản phẩm tiêu dùng trong nước. Do vậy, trước xu thế bắt buộc, quyết tâm của tỉnh là từng bước chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước mắt thực hiện sản xuất những mặt hàng có lợi thế.

Trước sản phẩm miến dong, 3 năm gần đây, sản phẩm mơ của tỉnh Bắc Kạn cũng được sử dụng làm nguyên liệu XK sang Nhật Bản. Hiện nay, nhà máy của Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại Khu công nghiệp Thanh Bình (Bắc Kạn) mỗi năm thu mua khoảng 500 tấn quả mơ của người dân trong tỉnh để chế biến. Để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này, doanh nghiệp (DN) đã liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu sạch với diện tích hơn 500ha. Đây cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn XK với số lượng lớn ra nước ngoài.

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung nâng cao chất lượng một số sản phẩm nông sản khác để đạt tiêu chuẩn XK như: Tinh bột nghệ, gạo chất lượng cao, quả hồng không hạt. Đây là những sản phẩm đã có vùng nguyên liệu lớn, có tính chất đặc trưng riêng biệt. Tỉnh Bắc Kạn đang tập trung xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản. Tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ các HTX, DN chế biến nông sản và người nông dân như chỉ đạo các sở, ngành trực tiếp đến HTX hướng dẫn, giúp đỡ hoàn thành các điều kiện, tiêu chuẩn để được XK sang châu Âu. Trên cơ sở thành công bước đầu, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực, mở rộng thị trường để đưa sản phẩm miến dong nói riêng và những nông sản hàng hóa khác nói chung XK trong thời gian tới.

Tới đây, nhiều địa phương trong tỉnh sẽ đăng ký sản xuất nông nghiệp hữu cơ một số mặt hàng. Cụ thể như, huyện Chợ Mới sẽ sản xuất cây mơ, cây chè, cây gừng; Ba Bể sản xuất cây bí xanh thơm; huyện Chợ Đồn sản xuất gạo Japonica và gạo Bao Thai; Na Rì sẽ sản xuất cây dong riềng… Từ đó tìm cơ hội đẩy mạnh XK.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dua-nong-san-bac-kan-vuon-xa-142021.html