Đưa phố phường trở lại xanh - sạch - đẹp

Chung sức, đồng lòng, cùng với các lực lượng chức năng, công nhân môi trường, những ngày qua đông đảo nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cùng tham gia tổng vệ sinh, vận chuyển rác thải, cành cây do cơn bão số 3 làm gẫy đổ, tồn đọng nhằm trả lại cảnh quan đô thị sạch đẹp. UBND các phường cũng tổ chức phun khử khuẩn để phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão.

10 ngày căng mình

Dù chỉ đi “lướt” qua Hà Nội trong vài tiếng, nhưng bão số 3 cũng đã kịp để lại một bãi “chiến trường” ngổn ngang trên khắp tuyến phố Hà Nội, thậm chí những người sống lâu năm ở Hà Nội cũng phải thốt lên: “Chưa bao giờ thấy một cơn bão nào tàn phá Thủ đô đến thế”. Quả thực, chỉ sau vài tiếng hoành hành, khắp nơi trên các ngả đường, tuyến phố của Hà Nội là ngổn ngang cây xanh bị bão nhổ bật gốc, cành lá xơ xác tơi bời và hàng loạt những cột đèn, mái tôn, đường dây viễn thông, biển quảng cáo… nằm chỏng chơ bên vệ đường. Sau siêu bão số 3, thành phố Hà Nội như một bãi rác lộ thiên, khổng lồ.

Người dân Thủ đô chung tay cùng công nhân môi trường dọn dẹp cành cây gãy đổ sau bão số 3.

Người dân Thủ đô chung tay cùng công nhân môi trường dọn dẹp cành cây gãy đổ sau bão số 3.

Thực tế, những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng khung cảnh đường phố sau cơn bão vẫn còn là quá ít bởi lẽ ngay từ 4 giờ sáng 8/9, thời điểm bão vừa có dấu hiệu suy yếu, hàng nghìn công nhân môi trường đã có mặt tại các địa bàn phụ trách và nhanh chóng bắt tay vào công việc dọn dẹp sau bão. Họ đã làm việc với cường độ bằng chín, bằng mười ngày thường, cao điểm từ 4 giờ sáng 8/9 và kéo dài đến gần 10 ngày sau…

Đảm nhiệm công việc thu gom rác tạ hai phường Láng Hạ và Thịnh Quang, hai khu vực đông dân nhất của quận Đống Đa. Hàng ngày, 38 thành viên của Tổ môi trường số 9, thuộc công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), chi nhánh Đống Đa bắt đầu làm việc từ 17h chiều và khi nào hết rác thì mới kết thúc công việc. Và thường phải tới 1-2h sáng ngày hôm sau, họ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ ấy khi mỗi người công nhân phải thu gom khoảng 15 xe rác mỗi ngày. Tuy nhiên, đấy là công việc của ngày thường, còn trong vài ngày trở lại đây, nhiệm vụ của họ càng vất vả hơn.

“Trước ngày bão đổ bộ vào thành phố, chúng tôi đã được Công ty quán triệt tinh thần duy trì ứng trực tiếp nhận thông tin, phối hợp khắc phục, phản ứng nhanh, đảm bảo phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt Thành phố yêu cầu. Nếu không vì cơ quan quán triệt đảm bảo an toàn về người thì chắc ngay trong đêm lúc vừa mới lặng gió chúng tôi đã ra đường để làm việc”, anh Lê Văn Thắng, công nhân tổ môi trường số 9 chia sẻ.

Thực vậy, những câu chuyện về những chiếc bánh mì qua trưa ngay tại nơi làm việc, một cơn ngủ ngắn giữa hai ca thay cho giấc ngủ 4, 5 tiếng ngày thường. Đôi bàn chân, bàn tay tái nhợt khẳm lặp do làm việc liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày liên tiếp. Hay phải đội mưa, tăng ca để hoàn thành công việc để giải quyết rác thải tồn đọng trong những ngày qua không phải là tình trạng cá biệt của bất cứ tổ môi trường nào.

Vất vả là vậy, nhưng những công nhân môi trường của Urenco vẫn tìm cho mình những niềm vui nho nhỏ, những hạnh phúc ngọt ngào: đó có thể là lời động viên từ phía người dân, một cốc nước tiếp sức, sự chung tay, góp sức của các chiến sỹ công an, dân quân tự vệ… Trong không khí lao động hừng hực khí thế ấy, họ vẫn luôn miệt mài đóng góp sức lực của mình, làm cho các con phố vốn ngổn ngang trở nên tươi mới, sạch sẽ.

Chung sức, đồng lòng

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, ảnh hưởng bởi bão số 3, trên địa bàn Thành phố có trên 40 nghìn cây đổ, gãy cành. Trong đó, có 13.615 cây xanh đô thị cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác... do thành phố quản lý theo phân cấp bị gãy, đổ. Hơn 26.300 cây do cấp quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị gãy, đổ. Toàn Thành phố có tổng số 1.231 sự cố lớn nhỏ về chiếu sáng đô thị…

Nhằm sớm khắc phục các hậu quả do bão số 3 gây ra, cùng với lực lượng công nhân môi trường, công nhân cây xanh, thoát nước, chiếu sáng… trên toàn bộ địa bàn thành phố Hà Nội, lực lượng chức năng, các cơ quan đơn vị, các tổ chức, cá nhân cùng đông đảo người dân Thủ đô đã đồng hành, bắt tay vào dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Các công việc được phân theo tuyến, tăng cường ca làm việc để thu dọn cành cây, rác thải trên các tuyến đường, bảo đảm giao thông không bị ách tắc, đồng thời trả lại vẻ đẹp cho cảnh quan đô thị.

Chị Dương Mỹ Linh, quận Hai Bà Trưng cho rằng, muốn sạch đẹp, sớm ổn định thì cần sự chung tay của mọi người dân: “Tổ dân phố tôi cùng nhau vận động mọi người ra đường để cùng dọn dẹp. Rác quá nhiều, cây đổ ngổn ngang, mình không góp sức thì biết đến bao giờ mới dọn xong? …”, chị Mỹ Linh chia sẻ.

Không riêng chị Mỹ Linh, những ngày qua nhiều người dân Thủ đô đã tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc và những ngày nghỉ để tham gia thu dọn cảnh quan, làm sạch đường làng, ngõ xóm. Những nhát chổi đi đến đâu, những chuyến xe vận chuyển rác và cành cây đi qua đến đâu, từng con đường, góc phố trở nên sạch đẹp hơn. Trong đó, các khu vực công cộng như trường học, bệnh viện, trạm y tế, trụ sở các cơ quan, đơn vị đặc biệt được chú trọng trong chiến dịch vệ sinh lần này. Tại các điểm này, việc dọn dẹp không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo không gian sạch đẹp, an toàn.

Đặc biệt, tại các khu vực vẫn còn bị ngập úng, nước chưa rút hết, người dân không ngừng khơi thông dòng chảy, dọn bùn đất để nước không bị ứ đọng, tạo thuận lợi cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất sớm trở lại bình thường… Với nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ nhân dân Thủ đô, cảnh quan môi trường tại nhiều khu vực đã dần lấy lại vẻ sạch đẹp vốn có.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dua-pho-phuong-tro-lai-xanh-sach-dep-177670.html