Đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vươn tầm quốc tế

Thành phố cũng hướng đến xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao.

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho sự phát triển bền vững của kinh tế Thủ đô, TP. Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị gia tăng cao vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Khơi thông nguồn lực cho các ngành công nghiệp chủ lực. Ảnh: Cấn Dũng

Khơi thông nguồn lực cho các ngành công nghiệp chủ lực. Ảnh: Cấn Dũng

Nhiều sản phẩm vươn tầm quốc tế

Ngay từ đầu năm, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 2/2/2023 thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thành phố đặt ra 26 chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô bao gồm 8 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế. Thành phố cũng hướng đến xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao.

Mục tiêu, Hà Nội sẽ phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tập trung phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô gắn với việc thực hiện cam kết quốc tế và tiêu chí khi tham gia mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.

Theo đó, thực hiện chủ trương của thành phố đề ra, các sở, ban, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp. Song theo đánh giá của UBND TP.Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ suy giảm của thương mại toàn cầu, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực giảm sút, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao gây áp lực lên sản xuất. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực vượt khó, sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2023 của Hà Nội vẫn tăng trưởng.

Cụ thể, theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 của Thủ đô ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,2% và tăng 3,1%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,4% và tăng 6,5%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,1% và tăng 5,7%; khai khoáng tăng 3,6% và giảm 7,6%.

Ước tính quý III/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 0,9%; quý II tăng 3,7%); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 4,6%; khai khoáng giảm 4,7%.

Theo đánh giá của UBND TP.Hà Nội, từ đầu năm đến nay, kinh tế của Hà Nội phục hồi và phát triển rõ nét là nhờ thành phố triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, TP.Hà Nội hiện đang tập trung thành lập, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư các cụm công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công; phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Kích cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp

Xác định các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực là lực lượng tiên phong, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Thủ đô, bám sát Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025”, UBND TP.Hà Nội đã ban hành các chương trình, đề án về phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố đến năm 2025.

Tính đến nay, Hà Nội có hơn 117 sản phẩm của 81 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó có 22 doanh nghiệp có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, 12 doanh nghiệp nằm trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 10 doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu. Đơn cử, một số doanh nghiệp lớn có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm như: Tập đoàn Sơn Hà, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông... Thậm chí có những doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng/năm như: Công ty Cổ phần Vicostone, Tổng công ty May 10, Tập đoàn SunHouse... Mỗi năm, các doanh nghiệp này đã đóng góp vào ngân sách Thủ đô hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền: “TP.Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng phát triển, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có cơ hội phát triển và đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của thành phố”. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các doanh nghiệp công nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Để hoàn thành các chỉ tiêu trong Kế hoạch số 267/KH-UBND về thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, UBND TP.Hà Nội sẽ triển khai các nội dung như: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học - công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Ngoài việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, TP.Hà Nội hiện đang tập trung thành lập, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư các cụm công nghiệp. Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, tốc độ phát triển kinh tế nhanh kéo theo nhu cầu về mặt bằng sản xuất, kinh doanh ngày một lớn. Việc đầu tư các dự án cụm công nghiệp trên địa bàn huyện sẽ góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng, tạo điều kiện phát triển cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn huyện nói riêng, khu vực lân cận nói chung.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố đang tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thêm 43 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 753 ha, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành hạ tầng, đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp, đưa các cụm công nghiệp vào hoạt động…

Đặc biệt, thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư thành lập mới cụm công nghiệp để đến năm 2025 Hà Nội có 159 công nghiệp theo quy hoạch. Hiện, Sở Công Thương đang chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định thành lập mới đối với 21 cụm công nghiệp theo Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Đôn đốc chủ đầu tư tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để tổ chức khởi công các dự án cụm công nghiệp làng nghề đã được phê duyệt thành lập.

Để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, TP.Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tinh giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đồng thời, ưu tiên thu hút công nghiệp sạch và kích cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp.

P.V

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dua-san-pham-cong-nghiep-chu-luc-vuon-tam-quoc-te-277459-277459.html