Đưa thanh long ngược núi

Nhắc đến trái thanh long, người ta thường nghĩ ngay tới Bình Thuận, vùng đất của nắng và gió cát. Thế nhưng, một vài năm trở lại đây người dân Sơn La đã đưa cây thanh long ngược núi thành công, trở thành một đặc sản của mảnh đất vùng cao này.

Cây làm giàu của bà con dân tộc

Thanh long trồng theo hướng hữu cơ

Thanh long trồng theo hướng hữu cơ

Giữa những ngày Tết Độc lập, chúng tôi tìm đến xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Con đường nhỏ được trải bê tông vào tận thôn, bản. 11h trưa, chị Hoàng Thị Thảo-bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha vẫn đang miệt mài làm cỏ cho vườn thanh long.

Là người Vĩnh Phúc lên đây lập nghiệp từ năm 2007, chị Thảo cho biết, đất Quỳnh Thuận rất xấu, người dân nơi đây xoay sở với đủ các cây con, từ cam, bưởi, cà phê… nhưng cái duyên đến với cây thanh long sau một buổi đi thăm mô hình trồng thanh long hữu cơ tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ngọc Hoàng ở huyện Mai Sơn vào năm 2016. Tại đây, chị được cán bộ kỹ thuật HTX hướng dẫn cách trồng, làm phân bón hữu cơ và được bao tiêu đầu ra sản phẩm. Theo chị Thảo, so với trồng sắn, ngô, cà phê thì trồng thanh long hướng hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5-8 lần. Từ diện tích trồng ban đầu khoảng 500 trụ thanh long, đến nay chị đã mở rộng lên đến gần 9.000 trụ. "Trước đây, Tây Bắc không trồng thanh long, khi tiếp cận với cây trồng này, chúng tôi cũng chỉ nghĩ trồng thử nghiệm, tuy nhiên, thành quả mang đến ngoài mong đợi" - chị Thảo tâm sự.

Cũng chung niềm vui này, chị Lò Thị Dưng (bản Quỳnh Thuận) - chia sẻ, từ diện tích lúc đầu 400 trụ (năm 2016), sau 4 năm, chị đã mở rộng ra 1.700 trụ. Đối với người dân Quỳnh Thuận niềm vui được nhân đôi khi lần đầu tiên, những trái thanh long được xuất khẩu (XK) sang thị trường Nga. Năm 2020, bà con đã XK sang thị trường này 2 chuyến với khối lượng 12 tấn. So với cây trồng khác, giá thanh long khá ổn định, với mức giá từ 16.000 đồng/kg trở lên là người trồng có lãi.

Đến huyện Mai Sơn, chúng tôi được gặp người đầu tiên đưa trái thanh long lên trồng tại đất Sơn La- ông Nguyễn Công Vinh- Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng. Ông Vinh cho biết, trái thanh long bắt đầu bén duyên với đất Sơn La vào năm 2009, thời gian đầu trồng bị thất bại do lựa chọn sai giống. Sau đó, HTX liên hệ với Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đề nghị cấp giống trồng lại. Diện tích trồng ban đầu năm 2013 là 1,5 ha, đến năm 2016 đạt 5ha và đến nay toàn tỉnh đạt 200 ha.

Bắt tay vào làm, HTX hướng đến phân khúc thị trường khó tính. Thanh long được trồng theo hướng hữu cơ, không bón phân vô cơ, không dùng thuốc hóa học, chỉ hoàn toàn sử dùng các loại thuốc sâu bệnh tự tạo từ tỏi, gừng… Phân bón cũng được ngâm ủ từ đậu tương, ngô, cá con… Không chong đèn để thúc cây ra hoa trái vụ nâng cao năng suất. Đây là một trong những điều kiện làm nên những nét đặc trưng của trái thanh long Sơn La. HTX cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm.

Theo ông Vinh, cùng với cách trồng thuận tự nhiên, yếu tố thổ nhưỡng với tầng đất canh tác dầy, chất hữu cơ cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn là những yếu tố giúp thanh long Sơn La có "chất" riêng. Độ rắn, giòn, thơm ngon, ngọt hơn hẳn thanh long vùng khác. Hiện toàn HTX có hơn 200 thành viên, cho thu nhập trên 60 triệu/người/ năm. Thị trường rất rộng mở đối với các sản phẩm sạch. Ước tính mở rộng diện tích trồng thanh long lên 500 ha mới đủ nhu cầu các đơn hàng.

Việc thay đổi tập quán, thói quen của người sản xuất, theo ông Vinh, không phải diễn ra trong một sớm một chiều. Làm theo hướng hữu cơ, mẫu mã không thể đẹp bằng vô cơ, trong khi đó, những năm đầu năng suất kém hơn và vấn đề sâu bệnh khiến người dân trồng thanh long tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, do được bắt tay chỉ việc, hỗ trợ mọi lúc, mọi nơi khiến người trồng yên tâm, tin tưởng.

Xây dựng vùng trái cây chất lượng cao

Sơn La - vốn được mệnh danh là "thủ phủ cây ngô của Tây Bắc", tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn đã mau chóng chuyển mình, trở thành vựa cây ăn quả XK, với tổng giá trị hàng trăm triệu USD. Với xuất phát điểm là trồng tự phát nhưng đến nay, trái thanh long đã được XK đến các thị trường khó tính, gây không ít ngạc nhiên cho ngành trái cây Việt.

Thanh long ruột đỏ chinh phục được các thị trường khó tính

Thanh long ruột đỏ chinh phục được các thị trường khó tính

Ông Trần Hữu Hùng- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu- cho biết, những trái thanh long ruột đỏ XK sang thị trường Nga đã nhận được phản hồi tích cực khi kết quả kiểm nghiệm cho thấy, các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm trong phạm vi an toàn và người tiêu dùng đã chấp nhận. "Cùng với việc mở rộng thị trường XK, tới đây, Thuận Châu sẽ đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng. Đồng thời, đề xuất chủ trương để tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho Thuận Châu làm chứng chỉ hữu cơ quốc tế"- ông Hùng chia sẻ.

Việc trồng bài bản, chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói, quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu đã trả lời cho câu hỏi: Tại sao quả thanh long Sơn La lên được kệ hệ thống siêu thị trong nước và XK được sang thị trường khó tính? Đến nay, quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ đã đi vào lòng người dân. "Bước tiếp theo được Sơn La đặt ra là mở rộng diện tích trồng theo quy trình hữu cơ, mở rộng thị trường XK và xây dựng mã vùng trồng tại các thị trường khó tính" - ông Nguyễn Thành Công- Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La.

Những ngày này ở Mai Sơn, Thuận Châu cây cối chưa vội vàng thay lá. Một màu xanh bạt ngàn của núi rừng, hòa vào đó là những cột thanh long xếp thành hàng ngay ngắn ở lưng trừng những ngọn núi cao như khẳng định sức mạnh chiến thắng thiên nhiên và khát vọng thoát nghèo của người dân nơi đây.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dua-thanh-long-nguoc-nui-151814.html