Đưa văn hóa Việt vào trang phục trình diễn
Đêm trình diễn Trang phục dân tộc Miss Universe Vietnam-Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2022 vừa khép lại đầy ấn tượng với sự xuất hiện của 41 thiết kế do sinh viên nhiều trường đại học tự lên ý tưởng và thực hiện. Nét văn hóa truyền thống, các lễ hội dân gian và ẩm thực của người Việt được cách điệu, thể hiện sống động khiến người xem thích thú.
Mãn nhãn, bất ngờ là nhận xét mà nhiều người dành tặng các thiết kế đầy sáng tạo của 41 sinh viên tham gia cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc”, một trong những hoạt động được khán giả mong đợi của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2022. Chọn chất liệu quen thuộc nhưng đặc biệt cùng với phần thiết kế phá cách, bắt mắt, chỉn chu, “Chiếu Cà Mau” của Nguyễn Quốc Việt (Trường đại học Tôn Đức Thắng) đã giành ngôi vị đầu tiên trong bảng xếp hạng, chính thức trở thành trang phục dân tộc của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới năm 2022.
Ngay khi nhìn thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam mặc bộ trang phục do mình tạo ra bước lên sân khấu trình diễn, phía dưới cánh gà, Nguyễn Quốc Việt đã khóc vì xúc động. Những tấm chiếu đan tay với hoa văn sặc sỡ luôn gợi trong chàng sinh viên năm tháng tuổi thơ bình yên ở quê nhà Cà Mau. Việt muốn dùng chất liệu này để quảng bá hình ảnh quê hương, lột tả cái đẹp từ những điều mộc mạc, gần gũi mà đôi khi bị người ta lãng quên trong cuộc sống hiện đại. Bộ trang phục cầu kỳ được Việt tạo hình từ hai cặp chiếu hoa thông qua những đường cắt táo bạo, phần rút dây khoe được vóc dáng uyển chuyển của người mẫu cùng chi tiết cánh tay mềm mại được xử lý khéo léo với chất liệu “khó nhằn”.
Nhờ các chi tiết cắt ghép, bấm nút thông minh, bộ trang phục kích thước khá lớn, nặng đến 15kg vẫn được người mẫu trình diễn nhẹ nhàng, thanh thoát. Việt cảm thấy tâm đắc khi khoác được “chiếc áo mới” sống động, tươi đẹp hơn cho chiếu Cà Mau, một hình ảnh quen thuộc của vùng quê cực nam Tổ quốc. “Khi sử dụng chất liệu này, nhiều người nói em liều nhưng tại sao mình không tìm cách ấn tượng nhất, cách chưa ai chọn để nói về vẻ đẹp của quê hương. Em thấy vui vì sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng đã mang đến cuộc thi một bộ trang phục truyền thống có giá trị cốt lõi, không pha tạp nền văn minh khác, chất liệu lạ và phần dáng xử lý thời trang khiến nhiều người thích thú. Em mong bộ trang phục truyền thống này sẽ tạo được điểm nhấn và giành về giải thưởng tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới năm 2022”, Việt đặt nhiều kỳ vọng cho hành trình phía trước.
Năm nay, Trường đại học Tôn Đức Thắng có bảy sinh viên góp mặt vào top 41 cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc” Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Là người lắng nghe ý tưởng, tư vấn chuyên môn và đồng hành cùng Nguyễn Quốc Việt từ đầu cuộc thi đến tận bây giờ, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Khiêm, Trưởng bộ môn ngành Thiết kế thời trang của trường cũng ấn tượng với cách cậu học trò chọn và xử lý chất liệu để cho ra bộ trang phục lạ mắt nhưng vẫn thể hiện được nét đặc trưng của văn hóa Việt. Từ xưa đến nay, rất khó để chiếu được xuất hiện trong thời trang vì nhiều người mặc định nó là thứ tầm thường, thậm chí kiêng kỵ. Việc một sinh viên mạnh dạn mang những chất liệu tưởng chừng không thể và biến thành điều có thể bằng một bộ trang phục độc đáo cho thấy sự sáng tạo rất lớn.
Cuộc thi năm nay, Trường đại học Văn Lang giành giải thưởng “Tập thể xuất sắc nhất” khi có tới năm tác phẩm lọt vào top 10. Trong đó, bộ trang phục “Bánh tráng” của sinh viên Phan Xuân Giàu đoạt giải nhì và “Tôm tre mỹ nghệ” của Nguyễn Minh Khôi đoạt giải ba. Lấy cảm hứng từ sản phẩm tôm tre tại làng nghề thủ công mỹ nghệ thuộc tỉnh Bình Định, Nguyễn Minh Khôi muốn chung tay giữ gìn và phát triển các làng nghề có nguy cơ mai một tại Việt Nam; đồng thời, giới thiệu với bạn bè quốc tế một sản phẩm độc đáo làm từ cây tre. Trong lần thiết kế này, Khôi chọn form áo yếm cùng với cổ áo dài, cho người mẫu đội chiếc mấn tạo hình độc đáo và kết hợp khéo léo các chi tiết từ tre tạo nên sự hài hòa vừa truyền thống vừa hiện đại.
Thí sinh nhỏ tuổi nhất trong top 3 cuộc thi năm nay cho rằng, việc làm sao tôn vóc dáng người mặc trong bộ trang phục dân tộc mà vẫn giữ được thuần phong mỹ tục là một thử thách rất lớn đối với nhà thiết kế, đặc biệt là với một sinh viên vừa bước vào ngưỡng cửa đại học như Khôi. Tuy nhiên, chính yêu cầu đó lại tạo cơ hội cho sự phá cách lên ngôi. “Tham gia cuộc thi này là một quyết định khá mạo hiểm khi em chưa biết gì nhiều về thời trang, chưa bước vào chuyên ngành thiết kế. Em xem đây là tiền đề để tạo ra những sản phẩm tốt hơn, góp “hạt cát nhỏ” của mình vào ngành thời trang Việt Nam. Đề tài thời trang với những giá trị lan tỏa vẻ đẹp truyền thống sẽ là phong cách mà em định hướng cho bản thân trong thời gian tới”, Khôi chia sẻ.
Tuy không lọt vào top 5 nhưng “Chiến thần Lạc Việt” của Lương Đức Minh, sinh viên năm nhất Trường đại học Văn Lang nhận về rất nhiều lời khen cho sự độc đáo trong kết hợp họa tiết, hoa văn thuần Việt và sự ấn tượng trong lựa chọn chất liệu. Minh xây dựng hình ảnh nữ chiến binh đầy cuốn hút trên sân khấu với bộ trang phục gắn hình ảnh chim lạc, phần vũ khí cách điệu từ mặt trống đồng, phần mũ tạo hình sắc sảo.
“Hình ảnh trống đồng và Lạc Việt tượng trưng cho thời Văn Lang, Nhà nước đầu tiên của Việt Nam để chứng minh được vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ ngay từ những ngày đầu tiên. Khi chọn hình ảnh nữ chiến binh, em muốn thể hiện rõ với thế giới phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam, ngoài sự hiền đức, nhẹ nhàng luôn ẩn chứa sự mạnh mẽ nhất định để bảo vệ chính mình và những người mà họ yêu thương”, Minh cho biết thêm.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/dua-van-hoa-viet-vao-trang-phuc-trinh-dien-702074/