Dựa vào thiên nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học và hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội. Đặc biệt là các dịch vụ điều tiết, hỗ trợ giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Các rạn san hô, thảm thực vật ven biển hỗ trợ chắn sóng, bảo vệ bờ biển; các vùng đất ngập nước điều tiết dòng chảy lũ; rừng, cây rừng ổn định trầm tích, bảo vệ khỏi sạt lở đất...

 Trồng rừng ngập mặn để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: HNK

Trồng rừng ngập mặn để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: HNK

Vậy nhưng, đa dạng sinh học trên toàn cầu đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Thực trạng này đe dọa đến tiến trình phát triển bền vững của nhân loại. Chính vì thế, Liên Hợp Quốc chọn chủ đề Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2020 là “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” (tên tiếng Anh: “Our solutions are in nature”). Thông điệp này kêu gọi con người sống hài hòa với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tạo sự thay đổi tích cực, nhằm đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Chủ đề “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” nhấn mạnh các giải pháp dựa vào tự nhiên có thể góp phần giải quyết các thách thức xã hội. Đó là vấn đề an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, sức khỏe con người, rủi ro thiên tai, dịch bệnh hay phát triển kinh tế. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học là chìa khóa nhằm giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng, bao gồm bảo tồn và phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn; bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt cũng như hệ sinh thái biển và đại dương, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững...

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm mô tả các phương pháp tiếp cận trước các vấn đề môi trường như lũ lụt, khan hiếm nước hoặc xói mòn đất... Một khi phương pháp truyền thống trong phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến các cấu trúc xây dựng và nhân tạo thì các giải pháp dựa vào tự nhiên bao gồm cơ sở hạ tầng tự nhiên, xanh và tích hợp... Các giải pháp truyền thống trong phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến việc xây dựng các công trình biển, hồ chứa, đập và hệ thống thoát nước sẽ gặp phải một số rủi ro về biến đổi khí hậu. Thay vào đó, các giải pháp dựa vào thiên nhiên có thể bao gồm khôi phục và bảo tồn các rạn san hô và vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ven biển và nước biển dâng; thảm thực vật giảm nguy cơ sạt lở và tạo ra các vành đai xanh để giúp bổ sung nước ngầm ở những khu vực phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Do đó, việc áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên chính là tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết thực trạng gây mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và suy thoái đất. Đồng thời chú trọng cân nhắc vấn đề đa dạng sinh học trong phát triển các ngành kinh tế.

Quảng Trị là địa phương nằm trong vùng sinh thái Trung Trường Sơn, là vùng sinh thái quan trọng với sự hiện diện của nhiều dạng sinh cảnh, là nơi cư ngụ cho nhiều loài động vật đặc hữu, quý hiếm. Nhờ xác định bảo tồn đa dạng sinh học có vai trò quan trọng cho phát triển bền vững nên tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các giải pháp mang tính chiến lược nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. Trong đó phải kể đến “Kế hoạch hành động đa dạng sinh học tỉnh Quảng Trị đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” nhằm bảo tồn, phục hồi và phát triển bền vững tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Với sự nỗ lực của các ngành chức năng, đến nay công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Trị đã thu được một số kết quả nhất định. Theo kết quả điều tra đa dạng sinh học bước đầu đã ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh có 1.813 loài thực vật, trong đó có 24 loài thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Khu hệ động vật đã ghi nhận 89 loài thú, 260 loài chim, 147 loài lưỡng cư, bò sát, 72 loài cá nước ngọt.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học là bảo vệ rừng, bảo vệ mái nhà cho các loài chim thú…Hằng năm lực lượng kiểm lâm Quảng Trị đã lập kế hoạch, phối hợp với các ban quản lý rừng, chính quyền địa phương tổ chức các đợt tuần tra rừng để đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động làm xâm hại, ảnh hưởng đến rừng và đa dạng sinh học.... nhiều vụ mua bán vận chuyển động vật hoang dã cũng đã bị phát hiện, xử lý. Qua đó nhiều đối tượng đã bị đẩy đuổi ra khỏi rừng, nhiều bẫy động vật được tháo dỡ, rừng và các loài động vật đã được sống an toàn hơn. Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng người dân sống gần rừng... Công tác vận động tuyên truyền ngày càng thấm sâu và đã có sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân. Qua đó, nhiều cá nhân, hộ gia đình đã tự nguyện giao nộp các cá thể động vật đang được nuôi nhốt tại nhà cho lực lượng kiểm lâm để thả về môi trường tự nhiên, góp phần quan trọng bảo vệ các loài động vật hoang dã đang gặp nguy hiểm. Đặc biệt trong những năm gần đây, người dân tại các xã vùng đệm của các khu bảo tồn đã tham gia nhiều hơn trong các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nhiều điểm chốt chặn, nhiều tuyến đường trong rừng đã được người dân, kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của các BQL rừng thường xuyên canh gác, tuần tra, bảo vệ.

Rõ ràng việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên là phục vụ phát triển kinh tế-môi trường, an ninh sinh thái, an sinh xã hội và cũng chính là bảo vệ cuộc sống của cả cộng đồng. Do đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Trị đang nhận được sự hưởng ứng, tham gia có trách nhiệm của cộng đồng bằng nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả.

Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148521