Đức bắt nhân viên đại sứ quán Anh bị tình nghi làm gián điệp cho Nga
Cảnh sát Đức đã bắt giữ một người đàn ông Anh làm việc tại đại sứ quán Anh ở Berlin, vì tình nghi chuyển tài liệu cho cơ quan tình báo Nga để đổi lấy tiền mặt, các công tố viên cho biết hôm qua (11/8).
Cảnh sát Đức cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông Anh bị tình nghi làm gián điệp cho Nga vào ngày 10 tháng 8 năm 2021 - Ảnh: Thomas Frey / AFP
Bài liên quan
Ông Macron thay đổi điện thoại, thắt chặt an ninh trước các cáo buộc về phần mềm gián điệp
Pháp điều tra phần mềm gián điệp khi Tổng thống Macron là mục tiêu
Đức bắt giữ nhà khoa học Nga vì tội làm gián điệp
Các công tố viên Đức nói rằng căn hộ và nơi làm việc của người đàn ông có tên là David S. đã bị khám xét và anh ta sẽ bị thẩm vấn vào cuối ngày thứ Tư.
Cảnh sát Anh cho biết người đàn ông này 57 tuổi.
Chánh văn phòng công tố liên bang Đức cho biết: “Ít nhất một lần, ông ấy đã chuyển các tài liệu có được trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình cho đại diện của cơ quan tình báo Nga”.
"Bị cáo nhận được tiền mặt với số tiền chưa xác định để đổi lấy việc truyền thông tin của mình", họ nói thêm.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) đã không trả lời các yêu cầu bình luận. Đại sứ quán Nga tại Đức từ chối bình luận về các báo cáo của vụ việc với hãng thông tấn Interfax.
Đại sứ quán Anh tại Berlin nằm ngay gần Cổng Brandenburg mang tính biểu tượng và cách đại sứ quán Nga trên đại lộ Unter den Linden nổi tiếng một đoạn khoảng 250 mét đi bộ.
Vào tháng 5, Vương quốc Anh đặt ra kế hoạch trấn áp các hoạt động thù địch của các quốc gia nước ngoài, đưa ra một đạo luật được đề xuất nhằm trao cho các cơ quan an ninh và cơ quan thực thi quyền lực mới để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng.
Người đàn ông bị bắt hôm thứ Ba (10/8) tại Potsdam, ngay ngoại ô Berlin. Các công tố viên cho biết, anh ta được tuyển dụng như một nhân viên địa phương tại đại sứ quán cho đến khi bị bắt. Đây là kết quả của một cuộc điều tra chung của chính quyền Đức và Anh.
Cảnh sát Anh cho biết trong một thông báo rằng người đàn ông này đã bị bắt vì tình nghi phạm tội liên quan đến "hoạt động của Đặc vụ Tình báo".
Các điệp viên Anh cho biết cả Trung Quốc và Nga đều tìm cách đánh cắp dữ liệu nhạy cảm về mặt thương mại và tài sản trí tuệ cũng như can thiệp vào chính trị, trong khi các điệp viên Nga đã bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công cựu điệp viên Nga Sergei Skripal trên đất Anh vào năm 2018.
Bắc Kinh và Matxcơva nói rằng phương Tây đang mắc phải sự hoang tưởng về các âm mưu. Cả Nga và Trung Quốc đều phủ nhận họ can thiệp ở nước ngoài, tìm cách đánh cắp công nghệ, thực hiện các cuộc tấn công mạng hoặc gieo rắc mối bất hòa.
Vụ án Berlin tiếp tục gây tiếng vang và sự chú ý về thế giới gián điệp mờ ám từng được thực hiện trong Chiến tranh Lạnh, khi điệp viên hai mang nổi tiếng Kim Philby (1912-1988) và những người khác trong vòng vây của các điệp viên Anh được gọi là "Cambridge Five" đã chuyển thông tin cho Liên Xô. Kim Philby làm việc cho Cơ quan tình báo mật của Anh (SIS hay MI6), nhưng ông lại chính là điệp viên quan trọng nhất của Liên Xô ở Anh.