Đức hy sinh
Những tấm gương quên mình xuất hiện ngày càng nhiều hơn, là tín hiệu vui, dù biết rằng mỗi sự mất mát đều để lại đau thương.
Mới đây nhất, hành động quên mình của những cán bộ và người dân ở những khu vực đặc biệt khó khăn nơi lũ vừa cuốn qua đã để lại rất nhiều suy tư.
Đó là tấm gương Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát Thao Văn Súa hy sinh trong lúc đi vận động, hỗ trợ bà con thoát ra khỏi vùng lũ tại bản Pá Hộc. Sự ra đi của anh khi tuổi đời còn rất trẻ thật cao cả, liệt oanh.
Đó là anh Phạm Bá Huy, trú tại bản Nhài, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn bất chấp nguy hiểm bản thân đã bơi ra giữa dòng nước lũ dữ để cứu người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo đang bị mắc kẹt trên ngọn cây giữa sông Luồng.
Thoát khỏi cái chết thường để lại nỗi ám ảnh, sợ hãi cho nhiều người, nhưng khi hỏi nếu đối mặt với hoàn cảnh như thế lần nữa có sợ không, thì nhận được câu trả lời là anh sẽ vẫn làm như thế.
Quả là một sự cao cả và đẹp đẽ khó có thể hơn từ tâm hồn của một người dân thuộc khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, dân trí không cao.
Từ việc làm của những cán bộ và người dân ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Thanh Hóa cho thấy các anh đã biết đặt trách nhiệm, sự sống, chết của cộng đồng lên trên sự sống, chết bản thân mình.
Có một bài hát với những ca từ rất ý nghĩa rằng: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Nếu ai cũng tính toán để chọn việc nhẹ nhàng cho mình, thì cuộc sống đâu còn nhiều ý nghĩa.
Đức hy sinh là điều luôn có ở mỗi người, quan trọng là chúng ta nuôi dưỡng tinh thần ấy như thế nào.
Lam Vũ
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/duc-hy-sinh/105801.htm