Đức kêu gọi EU đoàn kết trong kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ ngày 8/7/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 8/7 kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thể hiện sự đoàn kết và vượt qua những bất đồng sâu sắc để thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế quy mô lớn vào mùa hè này.

Thủ tướng Merkel cùng ngày đã có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và hai nhà lãnh đạo hàng đầu khác của EU, gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli để thảo luận các vấn đề chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào ngày 17-18/7 tới tại Brussels.

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, Thủ tướng Đức cùng các nhà lãnh đạo EU nói trên nêu rõ "việc nhanh chóng đạt được một thỏa thuận về gói khôi phục đầy tham vọng của châu Âu là ưu tiên cao nhất của EU trong những tuần tới”. Theo đó, nhấn mạnh "điều cốt yếu là những người đứng đầu nhà nước và chính phủ phải đạt được một thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới”.

Trong khi đó, phát biểu tại EP nhân dịp Đức tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên EU nhiệm kỳ 6 tháng, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Chúng ta cần sự đoàn kết đặc biệt - mọi người đều sẵn sàng, đặc biệt là Đức, để vượt qua đại dịch, để giải quyết những hậu quả của đại dịch”. Bà Merkel cũng hối thúc các bên thỏa hiệp, khẳng định mục tiêu chung của các nước hiện nay là nhanh chóng đạt được một thỏa thuận vì sắp hết thời gian do khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác trong EU đang tìm cách hạn chế chi tiêu mà chủ yếu để hỗ trợ các nước nghèo hơn ở phía Nam châu Âu vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển cho rằng nên thực hiện biện pháp giải cứu bằng cách cho vay với những điều kiện nghiêm ngặt đi kèm thay vì hình thức trợ cấp.

Trong khi đó, các quốc gia khác cho rằng kế hoạch cứu trợ do EC soạn thảo phân phối tiền không thỏa đáng, theo đó quá ưu tiên các nước khu vực Đông Âu chưa bao giờ ở tuyến đầu của dịch bệnh.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU sẽ nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ vào cuối tuần tới nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về việc thành lập quỹ phục hồi trị giá 750 tỉ euro (khoảng 845 tỉ USD) nhằm giải quyết hậu quả kinh tế mà đại dịch gây ra.

Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo các nước EU kể từ khi hoạt động đi lại bị hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Dự kiến, trong quỹ hồi phục trên, EU sẽ dành khoảng 500 tỉ euro cho các nước bằng hình thức trợ cấp, số còn lại là cho vay.

Cùng ngày 8/7, Chính phủ Đức đã ra mắt một nền tảng trực tuyến giải ngân khoản tiền cứu trợ lên tới 25 tỉ euro (28 tỉ USD) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Ngoài giải ngân hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ Đức cũng đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu tiêu dùng.

Cùng ngày, Anh công bố gói biện pháp mới có tên gọi "Đề án khởi động" với mục tiêu hỗ trợ thị trường việc làm và kích thích kinh tế. Đây là gói biện pháp giai đoạn hai nằm trong một kế hoạch toàn diện gồm ba giai đoạn nhằm thiết lập trạng thái bình thường mới tại nước này sau đại dịch COVID-19. Mục tiêu của chương trình trị giá 2 tỉ bảng Anh (khoảng 2,5 tỉ USD) này là bảo vệ, hỗ trợ và tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm trong nền kinh tế. Chương trình dự chi các khoản trợ cấp 1.000 bảng Anh (khoảng 1.259 USD) cho mỗi lao động có hợp đồng kết thúc vào ngày 31/1/2021.

Lực lượng lao động trẻ cũng đặc biệt được quan tâm với thông qua các khóa đào tạo kỹ năng làm việc. Các doanh nghiệp cũng là đối tượng được hưởng lợi đáng kể khi được nhận khoản hỗ trợ 2.000 bảng Anh nếu tuyển dụng lao động dưới 25 tuổi.

Theo kế hoạch, giai đoạn ba phục hồi kinh tế của Chính phủ Anh sẽ chú trọng nỗ lực tái thiết. Ở giai đoạn đầu, Anh đã công bố gói biện pháp trị giá 160 tỉ bảng Anh hỗ trợ dịch vụ y tế ứng phó với COVID-19, trả lương cho gần 12 triệu người và hỗ trợ hơn 1 triệu doanh nghiệp thông qua các khoản vay và chính sách giảm lãi suất.

Cũng trong ngày 8/7, Bộ Tài chính Anh đã quyết định sẽ tạm ngừng việc thu thuế mua nhà cho các căn nhà có giá giao dịch tới 500.000 bảng Anh cho đến cuối tháng 2/2021 nhằm kích thích thị trường địa ốc sau lệnh phong tỏa do COVID-19.

Quyết định này có hiệu lực tại xứ England và Bắc Ireland. Nhờ đó, những người mua nhà sẽ tiết kiệm được 4.500 bảng Anh thuế mua nhà.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/242010/duc-keu-goi-eu-doan-ket-trong-ke-hoach-phuc-hoi-sau-dai-dich-covid-19.html