Đức lên kế hoạch điều tàu chiến đến Biển Đông: Tại sao chọn lúc này?
Việc Đức tiết lộ kế hoạch đưa tàu chiến đến Biển Đông lần đầu tiên sau hai thập kỷ đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia và nhà quan sát quốc tế.
Ngày 3/3, Reuters dẫn lời giới chức Đức cho hay, một tàu hộ vệ của Berlin sẽ lên đường đến châu Á vào tháng 8 và sẽ trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Tuy nhiên, tàu chiến này sẽ không đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh những thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.
Nhận định về kế hoạch trên, một số chuyên gia cho rằng, việc điều tàu chiến đến Biển Đông là một bước quan trọng của Đức hướng tới thực hiện những hướng dẫn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vừa được Berlin phê chuẩn hồi năm ngoái nhằm gia tăng hiện diện ở khu vực, theo tờ South China Morning Post.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Tôn Khắc Khâm tại Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc bình luận: “Trung Quốc không muốn có sự hiện diện quân sự của phương Tây ở khu vực. Tuy nhiên, Đức muốn tham gia nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nâng cao hợp tác với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Điều này cũng cho thấy, Mỹ hy vọng Đức sẽ đảm nhận thêm trách nhiệm gây áp lực lên Trung Quốc”.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Quách Học Đường thuộc Đại học Kinh tế đối ngoại Thượng Hải cho rằng, kế hoạch triển khai tàu chiến phản ánh sự độc lập trong chiến lược quân sự và ngoại giao của Đức, hơn là nỗ lực chung với Mỹ gây áp lực lên Trung Quốc.
Học giả người Trung Quốc còn nhìn nhận rằng, quyết định của Đức không cho tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thể Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Berlin muốn "giảm nhẹ" khả năng đối đầu với Bắc Kinh.
Còn nhà phân tích kỳ cựu Helena Legarda thuộc Viện nghiên cứu Mercator về Trung Quốc ở Berlin nhận thấy, kế hoạch của Đức đưa tàu chiến đến Biển Đông gần như là “động thái mang tính biểu tượng”, nhưng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng, Berlin sẵn sàng đối đầu với những yêu sách biển của Trung Quốc ở khu vực một cách chủ động hơn.
“Sứ mệnh này cho thấy cách tiếp cận của Berlin bắt đầu thay đổi, phản ánh sự hiểu biết mới về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với sự ổn định toàn cầu và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cũng như cảm giác mới về việc cần phải ứng phó khẩn cấp tình trạng Trung Quốc ngày càng mạnh bạo trong khu vực”, bà Legarda bình luận.
Đức trở thành quốc gia thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU), sau Pháp, đã vạch ra tầm nhìn chính thức về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi đưa ra những hướng dẫn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hồi tháng 9/2020.
Mục tiêu mà Đức đưa ra là nâng cao vai trò của nước này với tư cách là “một bên và một đối tác sáng tạo” ở khu vực.
Hồi năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh, sự hiện diện của hải quân nước này ở khu vực sẽ giúp “bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”, theo tờ South China Morning Post.
(tổng hợp)