Đức nhắc nhở Serbia sau vụ đón 6 máy bay vận tải quân sự Trung Quốc
Đức vừa lên tiếng bày tỏ hy vọng Serbia sẽ tuân thủ chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) nếu muốn trở thành thành viên của khối. Lời nhắc nhở được đưa ra vài ngày sau khi báo chí đưa tin nhóm máy bay vận tải quân sự Trung Quốc chở tên lửa cho quốc gia vùng Balkan này.
“Chính phủ Đức hy vọng tất cả các ứng viên muốn gia nhập EU thực hiện chính sách an ninh và đối ngoại chung của khối và xích lại gần EU hơn”, văn phòng báo chí liên bang Đức nói trong tuyên bố phát ngày 13/4.
Văn phòng cho biết họ đã lưu ý các báo cáo về hoạt động vận chuyển, nhưng không nói cụ thể.
Serbia trở thành ứng viên của EU từ năm 2012.
Dữ liệu từ trang theo dõi hoạt động bay Flightradar24 cho thấy 6 chiếc máy bay vận tải hạng nặng Y-20A của Không quân Trung Quốc đến Serbia trong các ngày từ 9 – 11/4.
Cả Bắc Kinh và Belgrade đều không xác nhận có phải đội máy bay này chở tên lửa đất đối không tầm trung FK-3 mà quân đội Serbia đặt mua của Trung Quốc từ năm 2019 hay không. Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc khẳng định nhóm máy bay chở FK-3, nhưng không dẫn nguồn tin.
Là quốc gia thân thiết với Mátxcơva, Serbia từ chối tham gia cùng EU để trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Một số nước EU nói rằng điều này có thể cản trở mong muốn của Serbia trong việc trở thành thành viên của liên minh gồm 27 quốc gia.
Ngoài Belarus, Serbia là nước châu Âu duy nhất không trừng phạt Nga. Tổng thống mới đắc cử Aleksandar Vucic nói rằng Serbia vẫn cam kết trung lập quân sự trên lộ trình tham gia EU.
Các chuyến bay bất thường trong mấy ngày qua đã được hai thành viên khác của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgary đồng ý cho qua không phận, làm dấy lên lo ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở châu Âu. Phương Tây cũng lo ngại tình trạng tích lũy vũ khí ở vùng Balkan sẽ đe dọa nền hòa bình mong manh ở khu vực.
Serbia định mua 12 máy bay chiến đấu đa nhiệm Rafale của Pháp và 12 chiếc máy bay đã qua sử dụng của một nước khác, ông Vucic cho biết hôm 11/4. Đây là dấu hiệu cho thấy quân đội Serbia đang cố gắng đa dạng hóa để giảm dần phụ thuộc vào công nghệ từ thời Liên Xô.
Ngày 11/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc vận chuyển “nguồn lực quân sự thông thường” là một phần của hoạt động hợp tác với Serbia trong kế hoạch năm nay và không nhằm vào bên thứ ba hay liên quan đến “tình hình hiện tại”, hàm ý nói đến xung đột ở Ukraine.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Serbia chủ yếu tập trung vào các dự án năng lượng và hạ tầng.
EU áp lệnh cấm buôn bán vũ khí với Trung Quốc từ năm 1989, nhưng cũng có một số linh hoạt trong quy định và thực hiện ở một số nước. Pháp và Anh (cựu thành viên EU) trước đây đã xuất khẩu thiết bị quân sự sang Trung Quốc.