Đức phá âm mưu tấn công Đại sứ quán Israel, thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ về khủng hoảng Trung Đông

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Istanbul, gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong ngày 19/10 để thảo luận về cuộc khủng hoảng Trung Đông đang leo thang và vấn đề di cư.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc gặp tại Istanbul, ngày 19/10. (Nguồn: France2)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc gặp tại Istanbul, ngày 19/10. (Nguồn: France2)

Hiện Đức là nước ủng hộ mạnh mẽ Israel và đã bảo vệ quyền tự vệ của quốc gia Do thái này. Ông Olaf Scholz hy vọng cái chết của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar sẽ mở đường cho lệnh ngừng bắn. Ông Sinwar được coi là “kiến trúc sư” của cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7/10/2023, gây ra cuộc xung đột ở Gaza.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là người chỉ trích gay gắt chiến dịch Gaza của Israel, cho rằng các nước phương Tây vì ủng hộ Israel mà ông gọi là “nhà nước khủng bố”.

Ông Erdogan đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã có cuộc hội đàm với các quan chức Hamas tại Istanbul ngày 18/10 và gửi “lời chia buồn” về cái chết của Sinwar. Bộ Ngoại giao cho biết hai bên cũng thảo luận về “tình hình đàm phán gần đây về một thỏa thuận ngừng bắn cho phép trao đổi con tin và tù nhân”.

Di cư cũng là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán giữa ông Scholz và Tổng thống Erdogan. Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã chịu áp lực gia tăng về vấn đề này sau một loạt các vụ bạo lực và các cuộc tấn công cực đoan do những người xin tị nạn gây ra.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Đức - nơi có cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ di cư lớn nhất châu Âu với khoảng 3 triệu người - rất nhạy cảm. Berlin đã lên tiếng lo ngại về tình hình nhân quyền và dân chủ dưới thời ông Erdogan, đặc biệt là sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016.

Ngoài các vấn đề trên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng mong đợi các bên đạt tiến triển trong kế hoạch mua 40 máy bay Eurofighter Typhoon do một tập đoàn công nghiệp gồm 4 quốc gia chế tạo, trong đó có Đức.

Trong một diễn biến khác, ngày 19/10, các công tố viên liên bang Đức thông báo cảnh sát nước này đã bắt giữ một người Libya bị tình nghi là thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đã lên kế hoạch tấn công Đại sứ quán Israel tại Berlin.

Một phát ngôn viên của văn phòng công tố cho biết: "Có một số dấu hiệu cho thấy đối tượng đã lên kế hoạch tấn công Đại sứ quán Israel tại Berlin", đồng thời chỉ ra rằng nghi phạm này cũng được cho là có liên hệ với IS.

Tờ Bild đưa tin lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã đột kích vào một căn hộ ở Bernau, phía Bắc Berlin vào tối 19/10 và bắt giữ người đàn ông 28 tuổi này. Tờ báo cho biết chính quyền Đức đã hành động theo thông tin từ một cơ quan tình báo nước ngoài.

Trong một thông điệp trên mạng xã hội X, Đại sứ Israel tại Berlin Ron Prosor cảm ơn chính quyền Đức vì đã "đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán của chúng tôi".

(theo AFP)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duc-pha-am-muu-tan-cong-dai-su-quan-israel-thao-luan-voi-tho-nhi-ky-ve-khung-hoang-trung-dong-290725.html