Đức và Canada khẳng định chuyển tuabin khí về Nga là cần thiết, Gazprom nói gì?

Dù cả Đức và Canada khẳng định cần sớm chuyển tuabin khí về Nga để sửa chữa Dòng chảy phương Bắc 1, song Gazprom cho rằng điều này khó diễn ra vì cấm vận của phương Tây.

Trong cuộc gặp ngày 3/8 tại Montreal (Canada), Ngoại trưởng nước chủ nhà Melanie Joly và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock thảo luận về việc chuyển tuabin khí sử dụng trong Dòng chảy phương Bắc 1 tới Nga. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Trong cuộc gặp ngày 3/8 tại Montreal (Canada), Ngoại trưởng nước chủ nhà Melanie Joly và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock thảo luận về việc chuyển tuabin khí sử dụng trong Dòng chảy phương Bắc 1 tới Nga. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 3/8, hội đàm tại Montreal (Canada), Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp nước chủ nhà Melanie Joly cho rằng quyết định gây tranh cãi của Canada gửi trở lại Đức một tuabin khí được sử dụng trong đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream) của Nga là cần thiết, dù các bên cho rằng Nga sẵn sàng sử dụng năng lượng như một cái cớ để chia rẽ giữa các đồng minh.

Cũng trong cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine và tác động tới giá năng lượng và lương thực.

Về phần mình, ngày 3/8, Gazprom, công ty Nga đang vận hành Dự án Dòng chảy phương Bắc 1 cho biết các lệnh trừng phạt của Canada, Liên minh châu Âu (EU), và Vương quốc Anh khiến chuyển giao tuabin Siemens 073 đến trạm máy nén Portovaya của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc I không thể thực hiện được.

Trước đó, hồi tháng 7, Ottawa đã quyết định “lách” các biện pháp trừng phạt của chính mình với Moscow, vì không muốn gây ra khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Theo đó, Canada đã cấp cho Siemens Energy quyền miễn trừ trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt Nga để tập đoàn này gửi tuabin Siemens 073 từ Dòng chảy phương Bắc 1, hệ thống đường ống do Gazprom đang kiểm soát, đến các cơ sở ở Montreal để định kỳ bảo dưỡng và sửa chữa.

Tuy nhiên, ít lâu sau đó, Gazprom vẫn cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 chỉ còn 1/5 với lý do các vấn đề kỹ thuật.

Phản ứng trước động thái này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 3/8 cho rằng Nga không có lý do để trì hoãn việc nhận lại tuabin đã được bảo dưỡng ở Canada nhưng sau đó bị mắc kẹt ở Đức, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng leo thang.

Đáp lại, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho rằng phía Moscow chưa thể nhận lại tuabin này vì thiếu tài liệu.

(theo AFP)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duc-va-canada-khang-dinh-chuyen-tuabin-khi-ve-nga-la-can-thiet-gazprom-noi-gi-193147.html