Đừng cố chứng tỏ khả năng tiếng tây

Trong lúc chờ đợi, tôi cầm tờ thực đơn ở quán mà bạn hẹn gặp, định gọi món gì đó để giết thời gian. Nhưng trên thực đơn ấy hàm lượng tiếng Việt không nhiều.

Làm việc ở địa phương, công việc không giao tiếp với người nước ngoài, không phải tra cứu tài liệu nước ngoài, cũng không đọc báo nước ngoài, nên tôi và rất nhiều người ở cơ quan gần như xa lạ với tiếng ngoại quốc.

Cách đây hơn 20 năm, tôi và vợ có ý định học cao học. Chúng tôi từng đến một trung tâm học ngoại ngữ ban đêm với hy vọng bổ sung kiến thức để có thể thi đậu. Nhưng sau đó chúng tôi chuyển hướng tập trung làm việc mình được giao, chuyện học lên cao tính sau. Công việc cuốn đi, năm nọ nối năm kia, chúng tôi cứ thế trễ hẹn với việc học cao học, cũng đồng nghĩa với việc không nghĩ đến chuyện học ngoại ngữ nữa. Ở tỉnh lẻ khi ấy nhiều người như thế.

Nhưng ngay lúc này, khi ngồi trong quán, tôi mới thấy ngoại ngữ thực sự có giá trị. Chẳng lẽ lại cầm tờ thực đơn đến quầy chỉ đại vào một món nào đó. Như thế thì quê lắm, mà cũng chẳng biết món có phù hợp không nữa.

Đúng khi một nhân viên phục vụ đi qua, tôi gọi lại nhờ hỗ trợ. Bạn nhân viên rất nhiệt tình, nhưng tiếc là cũng không giúp gì được cho tôi. Bạn ấy nói tiếng Việt, nhưng xen những câu tiếng nước ngoài, tôi hoàn toàn không hiểu được. Tôi đành ngồi chờ bạn đến trong ấm ức. Nhưng buồn thay, khi mà bạn đến, câu đầu tiên bạn nói lại bằng tiếng tây. Tôi nói thẳng ra rằng tôi không biết tiếng Anh. Bạn nói mình quen như thế rồi, thông cảm. Câu chuyện giữa chúng tôi thuận lợi hơn, đi sâu vào vấn đề mà chúng tôi hẹn gặp. Nhưng rồi những từ tiếng Anh xuất hiện dần trở lại. Trong khi bạn say sưa, tôi thì ngóng như vịt nghe sấm. Hỏi lại thì bất tiện, mà sử dụng bộ công cụ dịch trên điện thoại càng bất tiện.

Những câu chuyện dở khóc, dở cười xung quanh ứng xử với ngôn ngữ không chỉ bây giờ, cũng không chỉ với riêng tôi.

Rất nhiều lần tôi tiếp xúc với những người Việt trong không gian thuần Việt, nhưng tôi lại phải đối diện với những câu nói hay văn bản chả thuần Việt chút nào. Tôi biện minh cho điều đó là chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập, nên hội nhập về ngôn ngữ là tất yếu. Những người như chúng tôi phải chấp nhận điều đó, vì chúng tôi đã ở lứa tuổi lỡ chớn với ngoại ngữ rồi. Nhưng tôi thấy không cam tâm. Có lúc tôi tự đặt câu hỏi việc dùng ngoại ngữ như thế đã thực sự đúng chưa. Những người hay nói những câu được cho là tiếng Anh ấy đã thực sự hiểu những câu mình nói, hay họ chỉ nói nhiều, nghe nhiều và mặc định như thế.

Nhiều lần trên nhóm lớp cũ các bạn thảo luận về những vấn đề chung, nhưng lại viết ra rất nhiều chữ tiếng Anh. Tôi đành copy những đoạn chat ấy nhập vào công cụ dịch trên Google và cho kết quả bất ngờ, nhiều từ chả ăn nhập gì với chủ đề thảo luận. Tôi hỏi lại con mình là một học sinh chuyên Anh, cũng được khẳng định kết quả tương tự.

Hóa ra các bạn đang lòe nhau về vốn kiến thức ngoại ngữ của mình. Chẳng có bạn nào giỏi tiếng Anh thật sự như các bạn thể hiện trên nhóm cả.

Tôi được nghe những lời phàn nàn về căn bệnh sính ngoại ngữ. Một người bạn nói rằng con của anh khi gọi điện thoại hay nhắn tin cho bố mà toàn câu từ tiếng nước ngoài. Con anh học cao, nhưng anh chỉ là công nhân cơ điện. Con anh quên điều đó, cứ ngỡ như đang giao tiếp với đối tác.

Việc học và sử dụng ngoại ngữ là cần thiết, nhưng không nên quá sính ngoại ngữ mà xem nhẹ sử dụng tiếng Việt. Trong môi trường chỉ có người Việt nếu lạm dụng tiếng Anh sẽ khiến người nghe không những không hiểu, mà còn ức chế.

Tôi buồn với khả năng ngoại ngữ của mình, nhưng cũng ám ảnh với cách dùng tiếng Anh của nhiều người. Đất nước đang trên đà hội nhập, số người biết ngoại ngữ nhiều, nhưng người không biết ngoại ngữ vẫn phổ biến. Vậy nên, dùng ngoại ngữ thế nào cũng là vấn đề, đừng cố chứng tỏ mình biết tiếng tây...

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dung-co-chung-to-kha-nang-tieng-tay-226771.htm