Đừng để bị tàn phế do trì hoãn vào viện

Vấn đề quan trọng là phát hiện sớm các dấu hiệu đột quỵ, lập tức đưa người bệnh nhập viện

Mỗi năm, đột quỵ (tai biến mạch máu não) là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, 5 triệu người bị tàn phế hoặc chịu di chứng từ căn bệnh đáng sợ này. Các nghiên cứu cho thấy nhồi máu não chiếm khoảng 80% đột quỵ não.

Có nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ. Ngoài các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như: tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình, chủng tộc, còn có những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, như lối sống (chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, sử dụng rượu, bia và thuốc lá, ít vận động, thừa cân, béo phì), các bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh rối loạn nhịp tim, thường gặp nhất là rung nhĩ…). Tất cả “góp phần” gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Ngày nọ, đi làm về, ông L.V.T (52 tuổi, ở xã An Định, huyện Tuy An) tắm và đột ngột ngã xuống rồi ú ớ, không nói được, tay chân cũng không cử động được. Gia đình vội đưa ông đến Trung tâm Y tế huyện Tuy An, và bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên tuyến trên. Bác sĩ Đào Thị Hồng Thư (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) cho biết: “Lúc nhập viện, bệnh nhân không nói, không cử động được, ngay cả bên không liệt cũng không cử động bởi đã rơi vào trạng thái lơ mơ. Khám, tôi mới biết bệnh nhân bị liệt bên phải; từ lúc xuất hiện triệu chứng cho tới khi vô đến Khoa Cấp cứu là gần 1 tiếng đồng hồ”.

Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) kiểm tra mạch máu não cho thấy bệnh nhân T bị tắc một nhánh động mạch xuyên, nằm sâu trong não và hẹp động mạch cảnh trong. Sau khi giải thích cho người nhà bệnh nhân, bác sĩ thực hiện thủ thuật tái thông động mạch xuyên bằng thuốc tiêu sợi huyết - thuốc làm tan cục máu đông, gây tắc dòng chảy trong lòng mạch máu não và gây ra nhồi máu não.

“Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, bệnh nhân tỉnh táo hơn, nói ú ớ, bắt đầu vận động tay chân nhưng còn yếu. 6 tiếng sau, bệnh nhân vận động hai tay hai chân được, có thể đứng, vịn và đi được vài bước. Người nhà rất mừng. Chúng tôi theo dõi 2 ngày rồi chuyển người bệnh lên Khoa Nội thần kinh - Nội tiết để tiếp tục điều trị”, bác sĩ Thư nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tân (Khoa Nội Thần kinh - Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), các dấu hiệu nhận biết đột quỵ được mô tả qua thuật ngữ FAST (face, arm, speech, time). Face - khuôn mặt: méo miệng, sụp mi mắt, mặt tê, cứng…; arm - cánh tay: không giơ lên được, cử động khó khăn, không cầm nắm đồ vật được nữa; speech - lời nói: nói không được, nói khó, nói ngọng. Khi có 3 dấu hiệu trên, cần gọi ngay cấp cứu hoặc lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Vấn đề quan trọng là phát hiện sớm các dấu hiệu đột quỵ, khẩn trương đưa bệnh nhân nhập viện; không cắt lể vì càng kéo dài thời gian càng nguy hiểm cho người bệnh.

Trong điều trị nhồi máu não, yếu tố thời gian vô cùng quan trọng, “thời gian là não”. Theo TS.BS Đàm Quốc Phối, Trưởng Khoa Nội thần kinh - Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), khi cục máu đông gây tắc mạch máu não, vùng lõi - nơi có động mạch bị tắc - thiếu máu trước tiên, nên sẽ chết trước tiên. Khu vực rìa của vùng lõi, còn gọi là vùng tranh tối tranh sáng, thường có tuần hoàn bàng hệ do sự kết nối mạch máu của các nhánh động mạch khác, nên được nuôi dưỡng một phần khi động mạch nuôi chính cho vùng đó bị tắc, nhưng cũng sẽ chết nếu việc tái thông không được triển khai sớm. “Việc tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu sợi huyết hay can thiệp mạch là để cứu vùng tranh tối tranh sáng càng nhiều càng tốt, nên phải tiến hành tái thông càng sớm càng tốt, vì để lâu thì tế bào não ở vùng này sẽ chết càng nhiều và để lại di chứng càng nhiều. Điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết được chỉ định thực hiện trước 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Như vậy, bệnh nhân phải vào viện trước 3,5 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng, vì còn phải chụp MRI, CT, xét nghiệm máu… Những trường hợp hồi phục tốt là bởi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm và đáp ứng với thuốc tiêu sợi huyết”, bác sĩ Đàm Quốc Phối cho biết.

Để giảm các yếu tố nguy cơ đột quỵ, chuyên gia y tế khuyên người dân ăn nhiều rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ, các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường; uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...; tập thể dục hàng ngày nhằm tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh; giữ ấm cơ thể; không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia; điều trị, kiểm soát tốt các bệnh nền: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rối loạn nhịp tim…

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng, giúp phát hiện sớm các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp, phòng tránh đột quỵ.

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ được mô tả qua thuật ngữ FAST (face, arm, speech, time). Face - khuôn mặt: méo miệng, sụp mi mắt, mặt tê, cứng…; arm - cánh tay: không giơ lên được, cử động khó khăn, không cầm nắm đồ vật được nữa; speech - lời nói: nói không được, nói khó, nói ngọng. Khi có 3 dấu hiệu trên, cần gọi ngay cấp cứu hoặc lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Vấn đề quan trọng là phát hiện sớm các dấu hiệu đột quỵ, khẩn trương đưa bệnh nhân nhập viện; không cắt lể vì càng kéo dài thời gian càng nguy hiểm cho người bệnh.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/266361/dung-de-bi-tan-phe-do-tri-hoan-vao-vien.html