Đừng để quảng cáo thành 'quảng… quái'

Dọc quốc lộ hoặc ở những ngã tư, ngã sáu… ta thấy có những cột biển quảng cáo khổng lồ đã rách nát, đứng trơ trơ giữa không gian.

Hẳn có người nghĩ là nó mới bị tàn phá bởi gió bão hay những quảng cáo đó đã hết hạn hợp đồng nên bị thanh lý. Thật mất mỹ quan!

Khi mà kinh tế thị trường phát triển thì quảng cáo cũng phát triển theo. Nhìn từ góc độ nào đó, quảng cáo cũng là một kiểu thông tin cổ động, gõ trống rung chuông, cốt cho người ta chú ý, ghi nhớ điều cần nói. Nhưng nói thế nào cho hấp dẫn, có nghệ thuật để thu hút người xem, người nghe là vấn đề đặc biệt quan trọng. Để đạt mục đích này, người ta đã dùng nhiều biện pháp, kể cả các chiêu trò câu khách, giật gân. Họ lạm dụng yếu tố hài và tục trong dân gian để sử dụng quảng cáo, với ý tưởng là gây chú ý, gây ấn tượng, nhớ về sản phẩm của mình. Thế nhưng, quá trớn và dùng không đúng chỗ lại có tác dụng ngược lại.

Có đến nghìn lẻ một kiểu quảng cáo được ngụy biện bằng sự sáng tạo. Từ việc người ta tận dụng chiếc áo cầu thủ ra sân viết tên sản phẩm cần bán, thuê người mẫu ăn mặc hở hang phản cảm… đến lạm dụng các từ ngữ ngoa ngôn, sai sự thật để quảng cáo. Không hiếm sản phẩm được tôn lên là “tốt nhất”, “duy nhất”, “số một” để tâng bốc chất lượng mà không có một cơ sở pháp lý nào minh chứng. Có khi sử dụng chữ nước ngoài to hơn chữ Việt trên các tờ quảng cáo. Người ta treo những tấm biển to đùng quá kích thước choán hết cả không gian, che chắn cả tầm nhìn trên đường phố… Trên ti vi, có quảng cáo vì tiết kiệm thời gian và chi phí nên các nhà sản xuất cho đọc nhanh như gió, lấn lướt ngôn từ, như đánh đố người nghe... Đó là chưa kể các hình thức in tờ rơi dán cột điện, tường nhà dân, bờ rào, cổng trường học…

Các đại gia, các nhà sản xuất lớn thì có cách quảng cáo hoành tráng hơn. Họ có cả một chiến lược marketing quảng bá hình ảnh sản phẩm nên không từ một chiêu thức nào. Lợi dụng khung giờ vàng trên ti vi để len lỏi quảng cáo xen kẽ trước phim, giữa phim, sau phim. Có khi vừa mới chiếu chưa được 2 phút, bỗng nhiên chuyển cảnh và trên màn ảnh nhỏ lòi ra một chương trình quảng cáo, khiến khán giả ngồi trước màn hình tưng hửng.

Thậm chí có nhà sản xuất cố ý dùng cách “nhái” ca từ của những ca khúc nổi tiếng, được cộng đồng yêu mến thành nội dung của quảng cáo. Đơn cử bài “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp có câu “Lòng vẫn nhớ về Hà Nội”, nhà quảng cáo đã biến thành “Lòng vẫn nhớ phở Hà Nội” cho một clip quảng cáo món phở. Nhưng câu chuyện gần đây nhất ồn ào giới truyền thông và dân cư mạng là để quảng cáo cho nước ngọt Coca-Cola, người ta đã dùng chữ một cách mập mờ, nội dung khó hiểu, gây phản cảm. Đây là nguyên văn dòng chữ quảng cáo “Coca - Cola - Mở lon Việt Nam - Trúng vàng mỗi ngày”. Được biết, tấm biển quảng cáo ở ngã năm Ô Chợ Dừa (Hà Nội) đã bị tháo gỡ, hãng này phải nhận lỗi và đã sửa sai. Cụm từ “Mở lon Việt Nam” được thay bằng “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày”.

Một thực tế là sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với quảng cáo. Quảng cáo tuyên truyền để kích thích phát triển sản xuất. Nhưng quảng cáo phải lành mạnh, văn minh. Không thể lạm dụng thành xô bồ, phản cảm, phạm vào thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ năm 2001, nước ta có Pháp lệnh Quảng cáo, năm 2012 ban hành Luật Quảng cáo. Nhưng vấn đề quảng cáo vẫn còn nhiều điều cần bàn, phải chấn chỉnh như những ví dụ nêu trên. Làm việc này phải đồng bộ, quyết tâm của các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân. Cơ quan giám sát thông tin, kiểm tra cần nâng cao trách nhiệm, không chỉ lấy tiêu chí phạt hành chính bằng tiền mà có hình thức răn đe mạnh mẽ hơn. Phải ngăn chặn tư tưởng vì lợi nhuận mà biến quảng cáo thành “quảng quái”!

LÝ YẾN NAM

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/dung-de-quang-cao-thanh-quang-quai-114457