Đừng để quy định có mà lại khó thực hiện

Những người bệnh từng gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khi có thẻ bảo hiểm y tế trong tay nhưng vẫn phải chấp nhận móc hầu bao mua thuốc và thiết bị y tế bên ngoài cơ sở khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị. Lý do là cơ sở khám, chữa bệnh không đáp ứng được thuốc và vật tư y tế. Đây là tình trạng có thể nói là dở khóc, dở cười khiến cho tính ưu việt của tấm thẻ bảo hiểm y tế giảm đáng kể.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định các trường hợp có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế khi bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị thuộc danh mục bảo hiểm y tế.

Cụ thể, Bộ Y tế quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế đối với người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh nhưng tại thời điểm kê đơn thuốc, có chỉ định sử dụng thiết bị y tế mà bệnh viện không có thuốc hoặc thiết bị y tế đó đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được duyệt, nhưng không lựa chọn được nhà thầu... Đối với thiết bị y tế, cơ sở y tế không có thiết bị mà người bệnh được chỉ định sử dụng và không có thiết bị khác để thay thế... Các quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Nhìn chung, thông tư đã mở ra hướng xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, được ghi nhận là sự nỗ lực của ngành y tế. Tuy nhiên có ưu việt hay không thì còn phải chờ đợi xem việc thực thi như thế nào.

Sau khi thông tư ban hành, đi qua cảm xúc hào hứng, nhiều người lại tỏ rõ sự lo lắng, biết đâu đó quy định chỉ có thể tồn tại trên giấy. Lý do là bởi trong thông tư nêu rõ những điều kiện chi trả trực tiếp cho người bệnh, tránh việc lạm dụng chỉ định người bệnh phải ra ngoài mua thuốc. Theo đó, để được chi trả trực tiếp khi phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài, người bệnh phải được bệnh viện đề nghị thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội, chứng minh việc thiếu thuốc, vật tư y tế phải đúng là do lý do “khách quan” theo quy định.

Thế nhưng thực tế là sẽ không có bệnh viện nào dám công khai tình trạng đang thiếu thuốc và vật tư y tế cả. Về vấn đề này, chúng ta đều biết trước tình trạng khan hiếm thuốc và thiết bị y tế thời gian qua do những khó khăn gặp phải trong công tác đấu thầu, Bộ Y tế và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó yêu cầu người đứng đầu cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Vậy nên, nếu có xảy ra tình trạng này thật, thì cũng khó để người đứng đầu cơ sở y tế dũng cảm công khai điều đó. Và nếu như bệnh viện không giải trình được thiếu thuốc, vật tư y tế vì lý do khách quan, đã cố gắng nhưng không được, thì người bệnh vẫn sẽ không có đủ điều kiện để được cơ quan bảo hiểm y tế chi trả khoản mua sắm bên ngoài.

Những quy định tưởng rằng ưu việt và chặt chẽ nhằm chống thất thoát, thực ra lại gây khó cho bệnh nhân bởi sự thiếu thống nhất. Vậy nên Thông tư số 22/2024/TT-BYT có thể xem như mới đưa người bệnh đến lưng chừng cảm xúc, chứ chưa thể giúp họ thỏa mãn đến tận cùng. Để gỡ khó, đòi hỏi các quy định này cần được vận dụng theo thực tế chứ không nên mõ tre sách in, dẫn đến quy định có mà lại khó thực hiện.

Thái Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dung-de-quy-dinh-co-ma-lai-kho-thuc-hien-228345.htm