Đừng để trẻ học thói xấu từ việc cha mẹ vi phạm luật giao thông
Là cha mẹ ai cũng muốn làm điều tốt nhất cho con nhưng đôi khi do vô tình, cha mẹ đã phạm phải những thói quen dễ làm hư con cái. Trong đó, hành vi vi phạm luật giao thông trước mặt trẻ là phổ biến nhất. Đây cũng chính là một phần lý do khiến học sinh Thủ đô luôn 'ngây thơ vô số tội' khi tham gia giao thông.
Tại Hà Nội, vào đầu giờ sáng hoặc cuối buổi chiều hằng ngày, người đi đường thường xuyên bắt gặp những hình ảnh phụ huynh đang chở con nhỏ đằng sau nhưng vẫn “vô tư” vi phạm luật giao thông.
Nếu chỉ là những lỗi hiếm gặp, phụ huynh có thể ngụy biện rằng do vội vàng không để ý, hay lâu ngày quên luật. Thế nhưng những lỗi cha mẹ rất thường xuyên mắc phải trước mặt con như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách… vốn là những lỗi chỉ có cố tình mới vi phạm được.
Theo quy định của pháp luật, những hành vi như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm đã được pháp luật quy định cụ thể. Thế nhưng, những hành vi vi phạm lại thường xuyên diễn ra.
Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định, trẻ em từ 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thế nhưng rất ít phụ huynh thực hiện điều này. Tại các cổng trường học, có thể thấy nhiều bậc phụ huynh vô tư đèo con kẹp 3, kẹp 4, và không hề đội mũa bảo hiểm cho cả người điều khiển và người ngồi đằng sau phương tiện.
Bên cạnh đó, ngay tại các cổng trường học cũng thường diễn ra tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông. Nguyên nhân xuất phát từ việc phụ huynh đến đón con đã dừng, đỗ phương tiện lộn xộn, lấn chiếm lòng đường.
Trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội như Thụy Khuê, Lò Đúc, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khuyến, Trần Đăng Ninh... thường xuyên tắc nghẽn vì quá đông phụ huynh tập trung dưới lòng đường. Không chỉ gây ùn tắc, mất an toàn giao thông, mà việc này còn gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Đây có lẽ không phải hành vi hiếm, bởi trên thực tế có rất nhiều bậc phụ huynh suy nghĩ đơn giản, việc vượt đèn đỏ hay không đội mũ bảo hiểm, hay dừng đỗ xe trước lòng đường chỉ là những việc “nhỏ”, hành động bộc phát trong lúc người lớn đang muộn giờ. Thế nhưng, hậu quả đằng sau là chính trẻ em lại “sao chép” đúng hành vi của người lớn.
Bởi vì bố mẹ và người lớn xung quanh đã “vượt lên trước”, nên có lẽ khi tự mình tham gia giao thông, nhiều em học sinh cũng cho rằng, “những lỗi nhỏ” hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Em Nguyễn Hoàng Yến, một học sinh lớp 9, trường trường THPT Cầu Giấy cho biết: “Em cũng không ít lần thấy người lớn đi sai luật, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Cũng chính vì vậy mà rất nhiều bạn học sinh cho rằng việc đi hàng 3, hàng 4 dưới lòng đường của mình là bình thường”.
Vi phạm các quy tắc an toàn giao thông có thể dẫn tới những hậu quả đau lòng. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hàng năm, tại Việt Nam, trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông là rất lớn, trong đó nguyên nhân xuất phát đều từ những hành vi vi phạm luật giao thông.
Ngày nay, việc giáo dục con cái tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông không chỉ để hướng các con trở thành những công dân tốt, mà hơn hết còn là để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Thiết nghĩ mỗi bậc phụ huynh, khi chở con cái trên xe mà hành xử cẩu thả, chẳng khác nào đem cả mạng sống, tương lai của con mình ra đánh đổi. Ý thức tuân thủ luật giao thông cũng giống như nết ăn nết ở, chỉ cần được uốn nắn, làm gương từ nhỏ, ắt sẽ trở thành nền nếp, thói quen.