Dừng hoạt động một số chợ: Vẫn phải đảm bảo cung ứng lương thực cho người dân

Lương thực, thực phẩm được mang đến khu vực dân cư bị phong tỏa ở huyện Sơn Hòa. Ảnh: THOẠI KỲ

Dừng hoạt động một số chợ trên địa bàn là một trong những biện pháp khẩn cấp được các địa phương triển khai trong những ngày qua nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các ổ dịch, kiểm soát nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Dù vậy, phương án cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là các khu cách ly, phong tỏa cũng được các địa phương chủ động, tính toán phù hợp.

Dừng hoạt động để đảm bảo phòng chống dịch

TP Tuy Hòa có 11 chợ truyền thống, trong đó chợ Tuy Hòa là chợ loại 1 với khoảng 1.060 sạp cố định, gần 3.250 tiểu thương; 5 chợ loại 2, 3 do các xã, phường quản lý gồm: chợ Phường 7, Tân Hiệp, Phú Lâm, Hầm Nước, An Phú. Triển khai khẩn trương các biện pháp phòng dịch, ngày 29/6, UBND TP Tuy Hòa đã yêu cầu các xã, phường thuộc thành phố ra quyết định tạm dừng hoạt động tất cả các chợ truyền thống loại 2, 3 theo thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19. Trước đó, TP Tuy Hòa cũng đã quyết định tạm dừng hoạt động chợ Tuy Hòa ngay sau khi xuất hiện 2 F0 là tiểu thương bán hàng thịt tại chợ này. Các xã, phường như Bình Kiến, phường 9, Hòa Kiến… cũng đã cho dừng hoạt động chợ Màng Màng, Hòa Kiến, Minh Đức, Phước Hậu và một số chợ xổm ở các thôn… để đảm bảo công tác phòng, chống dịch vì các chợ đều có liên quan đến các ca F0, chuỗi lây nhiễm dịch bệnh.

Ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết: Tính đến thời điểm này, thành phố đã cho dừng 6/11 chợ truyền thống có quy mô lớn. Ngoài các chợ đã có thông báo tạm dừng hoạt động, những chợ còn lại được phép hoạt động, cung cấp các mặt hàng thực phẩm, lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân; nhưng vẫn phải thực hiện đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Ban quản lý các chợ tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tuân thủ quy định trong quá trình mua bán.

Tiếp đó, UBND huyện Sơn Hòa tạm dừng mua bán các mặt hàng không thiết yếu tại các cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn. Trong ngày 29/6, UBND TX Đông Hòa cũng đã cho dừng hoạt động các chợ tự phát, các quầy hàng không thiết yếu ở các chợ truyền thống, dừng hoạt động chợ thôn Hảo Sơn Bắc (xã Hòa Xuân Nam)… Theo chính quyền các địa phương này, chợ truyền thống là nơi tập trung đông người, mặc dù đã cho sát khuẩn nhưng vì nguồn lây nhiễm đang rất phức tạp, nếu không hạn chế, tạm dừng hoạt động một số chợ thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ càng phức tạp hơn.

Liên quan đến việc ngăn chặn, kiểm soát các ổ dịch ở các khu vực chợ, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng đã có công văn hỏa tốc đề nghị các địa phương cần có giải pháp mạnh để kiểm soát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các chợ dân sinh, siêu thị…, tạm thời đóng cửa các gian hàng không thiết yếu tại các chợ, siêu thị; dừng các chợ dân sinh tự phát; chỉ đạo ban quản lý các chợ triển khai các giải pháp giãn cách, xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế đối với người đã từng đến các địa điểm nguy cơ do các cơ quan chức năng đã thông báo, không đeo khẩu trang. Các địa phương huy động nhân lực triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương buôn bán tại các chợ...

Hội Phụ nữ xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) chuẩn bị rau xanh để hỗ trợ cho các khu vực cách ly. Ảnh: LỆ VĂN

Hội Phụ nữ xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) chuẩn bị rau xanh để hỗ trợ cho các khu vực cách ly. Ảnh: LỆ VĂN

Không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND TX Đông Hòa cho biết: Các lực lượng túc trực tại các khu vực dân cư sẽ nắm tình hình, nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân, phối hợp với các cơ sở kinh doanh, tổ chức các điểm bán hàng lưu động để cung ứng cho người dân kịp thời. Các xã, phường thường xuyên báo cáo với Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh để chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp phân phối bổ sung nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tất cả các biện pháp đang được tiến hành rất khẩn trương, mục tiêu là không để gia đình nào không có lương thực, thực phẩm trong thời gian cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Lê Vi Phúc cho biết thêm: TP Tuy Hòa đã có phương án và yêu cầu các đơn vị, địa phương sẵn sàng, đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ cho nhân dân, nhất là ở những vùng cách ly, phong tỏa. Cụ thể, chính quyền xã, phường thường xuyên theo dõi nhu cầu cần phục vụ các mặt hàng thiết yếu của người dân; xác định các cơ sở kinh doanh thương mại tại chỗ để có cơ sở tính toán nhu cầu tương ứng, chuẩn bị tổ chức các điểm bán hàng lưu động; kịp thời báo cáo, yêu cầu hỗ trợ để đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm của người dân. Bên cạnh đó, Thành đoàn Tuy Hòa thành lập Đội Thanh niên tình nguyện để hỗ trợ người dân trong việc tiếp nhận hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.

“Thành phố giao cho các xã, phường bố trí chợ tạm theo từng khu vực bán hàng tươi sống, thịt, cá, rau củ quả… Mỗi chợ tạm chỉ được bố trí tối đa 20 quầy hàng, có chốt để kiểm soát người ra vào, bắt buộc phải đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, không tập trung quá 2 người tại 1 điểm bán hàng”, ông Phúc nói.

Chỉ đạo triển khai cung ứng thực phẩm tại xã, ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến, cho hay: Cho dừng chợ, UBND xã cũng đồng thời chuẩn bị các phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân. Theo đó, chúng tôi chọn các khu vực trống, cách xa chợ cũ (chợ đã dừng hoạt động); thông báo để những ai có nguồn thực phẩm thiết yếu, tươi sống đến bán, phục vụ người dân khi có nhu cầu. UBND xã cũng tổ chức giám sát hoạt động mua bán tại các địa điểm này, thực hiện yêu cầu 5K, không để bà con tập trung đông, chen lấn nhau. Riêng ở 2 khu vực cách ly, phong tỏa trên địa bàn, xã tiếp nhận nhu cầu lương thực, thực phẩm của các hộ dân, bố trí cán bộ vận chuyển lương thực đến tận nhà và báo bà con ra cổng lấy. Chúng tôi cũng tiếp nhận tất cả tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân để phân phát cho các hộ dân. Với các trường hợp khó khăn, gia đình hộ nghèo, xã sẽ sử dụng nguồn ngân sách để hỗ trợ.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch UBND xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, UBND xã đã lập 4 tổ (ở 4 thôn) để tiếp nhận, tổng hợp nhu cầu cung ứng thực phẩm của người dân, đồng thời thông tin rộng rãi trên các phương tiện. Hàng ngày, các tổ sẽ liên hệ đến các cơ sở cung ứng để chuyển lương thực, thực phẩm đến từng khu vực tập trung, sau đó phân phát cho từng nhà dân theo đúng yêu cầu, kể cả trong vùng bị phong tỏa. Các lực lượng làm nhiệm vụ có trang bị đầy đủ đồ bảo hộ nhằm đề phòng lây nhiễm. Đối với lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu được các đoàn thiện nguyện hỗ trợ, địa phương đều tiếp nhận, ưu tiên phân phát cho người dân ở các vùng phong tỏa, cách ly trước, sau đó tiếp tục đến các khu vực khác.

Nhằm giúp các địa phương, người dân… chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, Sở Công thương đã có văn bản hướng dẫn các loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép kinh doanh đối với các khu vực phải thiết lập giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có các siêu thị, chợ dân sinh, các cửa hàng tiện lợi, tiện ích chỉ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu; những cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được phép hoạt động như chợ dân sinh, chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm; các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh…

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/260537/dung-hoat-dong-mot-so-cho--van-phai-dam-bao-cung-ung-luong-thuc-cho-nguoi-dan.html