Đứng lên sau những bất hạnh

Ông trời càng thử thách, tôi càng cố gắng, càng vươn lên để đứng vững', Chị Nông Thị Nông, thôn Nà Làng, xã Thanh Tương (Na Hang) ngậm ngùi kể về cuộc đời nhiều gian truân, vất vả của mình như vậy. Và những thành quả đạt được hôm nay là minh chứng rõ ràng nhất cho nghị lực phi thường của người phụ nữ nhỏ bé ấy.

Thân gái dặm trường

Chị Nông sinh năm 1973, tuổi Quý Sửu. Chị bảo, gái Đinh, Nhâm, Quý vất vả đủ bề. Năm 1993, chị lập gia đình với chồng tại xã Tứ Quận (Yên Sơn), sau hơn 1 năm loay hoay cuộc sống tại quê nội, nhà đông anh em, đất đai không có, anh chị đành trở về thôn Nà Làng lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Chị Nông Thị Nông, thôn Nà Làng, xã Thanh Tương, Na Hang.

Bắt đầu chuỗi ngày vất vả với công việc đồng áng, cũng từ đó bệnh khớp của chồng chị từ thuở bé bỗng trở nặng. Năm 2000, bệnh biến chứng chạy vào tim, phá hủy nội tạng và đến năm 2006 anh qua đời. Chị rơm rớm nước mắt, ngày đấy, bao nhiêu tiền của dành dụm của 2 vợ chồng đều dồn cho anh đi chữa bệnh, có lúc chị còn đi vay ngoài với lãi cao để lo cho chồng. Chính vì lẽ đó, sau khi anh mất, chị rơi vào cảnh nợ nần, một mình gồng gánh nuôi con nhỏ và bươn chải để trả dần các khoản vay.

Chị nhớ năm 2007, chị đành gửi con cho bà ngoại chăm sóc và bắt đầu công việc buôn bán ở xã Yên Hoa (Na Hang). Sáng đi buôn đồng nát, buôn con giống gia súc, gia cầm, tối về chị lại tất tả làm bún để kịp phiên chợ sáng. Đến năm 2013, khi đường xá đi thôn, bản dần dễ dàng, việc buôn bán gặp khó khăn, chị lại khăn gói quả mướp lên huyện Quản Bạ (Hà Giang) để buôn vải, các sản vật của đồng bào. Mãi đến cuối năm 2014, chị quyết định về lại quê hương Nà Làng lập nghiệp.

Chị kể, ngày về đây, được họ hàng để cho miếng đất gần cuối thôn để làm nhà, chị bán căn nhà tại xã Yên Hoa được 118 triệu đồng, vừa đủ làm căn nhà đang ở (hiện đang để cho con gái). Để có vốn khởi nghiệp, chị vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang để cải tạo mảnh đất hơn 1ha được thừa kế từ người họ hàng. Chọn khởi nghiệp bằng trồng cây lát, cây xoan nhưng cuộc sống vốn dĩ là chuỗi ngày dài thử thách, sau 6 tháng cây giống chết toàn bộ do đất cằn, thiếu nước.

Chị Nông Thị Nông đang chăm sóc vườn cam của gia đình.

Chị Nông Thị Nông đang chăm sóc vườn cam của gia đình.

Quyết định thay đổi sang trồng cây cây cam với chị là quyết định táo bạo, bởi chuyện này xưa nay chưa ai làm thành công. Để đảm bảo nguồn cây giống, chị tự tay đi tìm mua 300 gốc cam sành Hàm Yên bằng chiết và ghép về trồng, nhưng do đất thiếu dinh dưỡng sau 2 tháng cây cam chiết chết toàn bộ do thối rễ, chỉ còn cam ghép là bám trụ được tại vùng đất khó.

Gặt hái những thành công

Câu chuyện dường như cởi mở hơn, chị Nông say sưa kể về quãng thời gian đưa cây cam sành lên đồi đất quê hương, rồi câu chuyện một mình chị bê từng bao phân bón, san từng gốc cam hay xách từ xô nước dưới suối lên để bổ sung độ ẩm cho cây trong những ngày khô hạn.

Giữa vườn cam sau trĩu quả, từng đàn gà đang mải miết kiếm ăn, chị Nông kể đầy phấn khởi, chính đàn gà là cách để chị có vốn duy trì khu vườn đến tận hôm nay.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, năm 2017, sau khi cây cam đi vào ổn định, chị Nông quyết định rẽ hướng nuôi gần 500 con gà, chị nhận là người nhiều kinh nghiệm trong buôn bán vật nuôi nên hành trình chăn nuôi khá thuận lợi. Gà là ngắn, cây ăn quả là dài, chất thải của gà lại bổ sung dinh dưỡng cho cây. Đặc biệt khi nuôi gà dưới tán cam, các loại sâu bệnh giảm hẳn so với trước.

Trên diện tích đất đồi cam, chị Nông nuôi thêm gà để tăng thu nhập.

Trên diện tích đất đồi cam, chị Nông nuôi thêm gà để tăng thu nhập.

Khác với nhiều người nuôi gà theo cách truyền thống, chị lại chọn cách áp dụng kinh nghiệm tích lũy và khoa học kỹ thuật, toàn bộ đàn gà khi nhập về đều được tiêm phòng, chuồng trại khử khuẩn, mỗi bao cám gà bóc ra đều được chăn trong ngày hoặc đóng kín sử dụng tối đa không quá 48 giờ. Chị bảo, có những thứ nên tiết kiệm nhưng riêng cám gà con thì không nên, bởi đường ruột yếu, chỉ cần sở sẩy là sẽ trả giá bằng toàn bộ hành trình nuôi gà về sau.

Năm 2018, đàn gà bắt đầu bán những lứa đầu tiên, ban đầu dao động từ 30 - 50 triệu đồng tiền lãi, sau đó cứ tăng dần lên. Vườn cam cũng thế, chị Nông bảo, những vụ quả bói đầu chỉ thu được có 6 triệu đồng nhưng đến năm 2021 tăng lên 120 triệu đồng mỗi vụ. Thương lái khắp nơi quý chị, họ quý bởi sự nhiệt tình, thật thà và cũng bởi chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Có lẽ trời thương, nên kinh tế gia đình cũng bắt đầu đi lên, chị dí dỏm, từ “con nợ” mình dần trả hết nợ, chỉ còn nợ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT do chưa đến kỳ trả, nhưng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Chị Ma Thị Khuya, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Tương chia sẻ, tấm gương vượt nghịch cảnh của chị Nông Thị Nông, thôn Nà Làng thật đáng ngưỡng mộ. Tuy là phụ nữ, nhưng sự độc lập vươn lên làm kinh tế hộ gia đình là tấm gương sáng cho nhiều chị em ở địa phương học tập. Tận dụng đồng vốn, tận dụng lợi thế đất đai để chọn cây, con phù hợp và thực hiện có hiệu quả không hề dễ, nhưng chị đã thành công.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng vì có một vài thương lái đến mua gà. Chị bật mí, đàn gà năm nay xuất bán chắc cũng thu được khoảng trên 50 triệu đồng, số tiền này sẽ dành để trả nợ Ngân hàng và cũng chính thức giúp chị thoát nợ sau gần 18 năm. Theo dự tính thời gian tới, chị cũng cải tạo một phần diện tích cây cam già cỗi chuyển sang trồng tre lấy lá, chị bảo đã tìm được nguồn cung cấp cây giống và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

Trước khi ra về, chị Nông tặng chúng tôi vài cân chanh tứ thì vàng ruộm, mọng nước. Chị cho biết, chị mới cải tạo trồng thêm 200 gốc chanh tứ thì, được gần 2 năm mà năng suất khá cao. Bình thường chanh tứ thì trên đất đồi đã rất mọng nước, nhưng chanh mà trồng bởi người phụ nữ nghị lực, tôi nghĩ sẽ vừa mọng, vừa sai quả hơn rất nhiều...

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dung-len-sau-nhung-bat-hanh-200365.html