Đừng tận diệt cá đồng ngoài tự nhiên

Một người sử dụng kích điện để bắt cá đồng ngoài tự nhiên. Ảnh: PV

Trước đây, ở đồng quê, việc bắt cá đồng trong môi trường tự nhiên là điều đơn giản. Chẳng cần ngư cụ bẫy cũng có thể bắt được cá.

Chỉ việc cho một ít cơm nguội rải xuống ao hồ, dùng chiếc rổ xúc xuống nước là có ngay mớ cá cho buổi cơm chiều. Việc mò cá cũng thuận lợi, chỉ sau nửa giờ chăm chỉ có thể đầy ắp cá to trong xô. Còn bây giờ, cá đồng đang dần cạn kiện vì sự đánh bắt vô tội vạ của con người. Các ao hồ, sông suối dần ít cá sinh sống dẫn đến tình trạng cá sống ngoài môi trường tự nhiên có giá cao hơn gấp mấy lần so với cá nuôi.

Người ta không quan tâm đến việc bảo vệ, duy trì nguồn cá đồng, mà ra sức đánh bắt bằng nhiều loại ngư cụ, trong đó có cả ngư cụ mang tính hủy diệt, như kích điện, bóng Thái Lan... Ngay cả những con cá đang mang trứng, cá con mới đẻ cũng bị bắt. Nếu bạn là người đi chợ truyền thống thường xuyên sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thau cá con, cá trứng được bày bán. Những con cá rô, cá bống, cá lóc non chỉ bằng chiếc đũa cũng bị đưa vào danh sách món ăn. Chợt nghĩ, nếu hàng ngàn con cá con ấy được tự do, thì chỉ sau nửa năm, chúng ta sẽ có nhiều cá ngoài tự nhiên trưởng thành dùng làm thức ăn. Một số cá cái tiếp tục đẻ trứng, đẻ con để duy trì nòi giống, làm cho nguồn cá đồng tự nhiên phong phú hơn.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc đánh bắt cá sông (hoặc cá biển) được luật pháp quy định rất chặt chẽ. Người đánh bắt không được dùng ngư cụ tự chế tận diệt. Không được đánh bắt vào mùa cá đẻ trứng và khi bắt trúng cá trứng, cá con thì phải thả xuống sông hồ ngay. Trong lúc câu, lưới cá, người bắt đều có dụng cụ đo khích thước để tránh bắt nhầm cá chưa đủ chuẩn. Việc bắt cá con, cá trứng làm thức ăn sẽ bị phạt tiền khá cao, thậm chí có thể bị tù. Nêu ví dụ ở Campuchia, nhà nước quy định hàng năm, người dân chỉ được đánh bắt cá 6 tháng trên khu vực Biển Hồ (Tonle Sap), vì 6 tháng còn lại để cá đẻ trứng và sinh trưởng. Chính vì thế mà khu vực Biển Hồ có nguồn cá vô cùng phong phú, chẳng những là nguồn cung cấp thực phẩm cho nước nhà mà còn xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam (dưới dạng khô, mắm).

Ở Việt Nam, Luật Thủy sản đã được Quốc hội thông qua vào năm 2017, quy định việc đánh bắt thủy hải sản rõ ràng, nhưng dường như chỉ áp dụng đối với hoạt động đánh bắt quy mô lớn. Còn việc đánh bắt nhỏ lẻ bằng các ngư cụ truyền thống trên sông hồ như chài, xúc, lưới, vó... thì vẫn còn lơi lỏng. Đó là lý do người ta đánh bắt cá tự nhiên vô tội vạ.

Để chấm dứt tình trạng này, tránh nguồn cá đồng tự nhiên bị mai một, rất cần ý thức tự giác của mỗi cá nhân: thả cá con về với môi trường tự nhiên; giáo dục trẻ em bảo vệ nguồn lợi cá đồng, nói không khi chế biến thức ăn từ cá con… Ban quản lý chợ cần có những quy định buộc người bán không được bán cá con; chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu để tự giác chấp hành luật. Đừng vì cái lợi trước mắt mà tận diệt cá đồng ngoài tự nhiên.

ĐẶNG TRUNG THÀNH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/243158/dung-tan-diet-ca-dong-ngoai-tu-nhien.html