Dùng thuốc kháng virus không đúng sẽ gây nguy hiểm cho cộng đồng

Sở Y tế TPHCM khẳng định, Thành phố có đủ thuốc kháng virus cấp phát cho F0, nhưng với nhóm người trẻ, không triệu chứng khi nhiễm COVID-19 thì không thuộc chỉ định dùng thuốc này.

Buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM chiều ngày 9/12. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM chiều ngày 9/12. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, tổ chức chiều 9/12, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, tính đến 18h ngày 8/12, TPHCM có hơn 482.000 ca mắc COVID-19. Thành phố đang điều trị hơn 13.100 bệnh nhân, trong đó có 473 trẻ em dưới 16 tuổi, 472 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân được can thiệp ECMO. Thành phố đã tiêm hơn 7,9 triệu mũi 1 và 6,8 triệu mũi 2 vaccine phòng COVID-19.

Sau 2 tháng mở cửa trở lại, TPHCM duy trì dịch ở mức độ 2 nhiều tuần liên tiếp, tuy nhiên vẫn là địa bàn có số F0 mới và tử vong cao nhất cả nước.

Theo công bố cấp độ dịch mới nhất, thì Quận 4 là địa bàn duy nhất nâng cấp độ dịch từ mức 2 lên mức 3 (nguy cơ cao - vùng cam). Bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND Quận 4, cho biết trong quá trình điều hành và thực hiện giải pháp, quận nhận định cấp độ dịch trên địa bàn sẽ gia tăng khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Do đó, quận xác định giải pháp quan trọng nhất là nâng ý thức người dân trong phòng, chống dịch.

Nguyên nhân khiến tình hình dịch ở Quận 4 gia tăng do nhiều người chủ quan sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine và khỏi bệnh sau khi nhiễm COVID-19. Họ cho rằng có thể miễn nhiễm COVID-19 nên giao lưu trong cộng đồng diễn ra rộng hơn. Mặt khác, Quận 4 cũng là địa bàn nhỏ, có nhiều xóm lao động, hẻm nhỏ chằng chịt. Việc giao lưu thường xuyên đã khiến dịch bệnh gia tăng.

Ngay khi có số ca nhiễm trong cộng đồng tăng, quận đã đánh giá và nhận thấy phần lớn là ổ dịch gia đình, khi một người mắc thì những thành viên còn lại cũng dương tính.

Ngay khi TPHCM thông báo nâng cấp độ dịch thì Quận 4 chỉ đạo các phường, trung tâm y tế tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức trong nhân dân. Hàng quán trên địa bàn được yêu cầu giảm 50% công suất, và không cấp phép kinh doanh đồ uống có cồn.

Bà Lê Thị Tuyết Mai cho biết, quận đã huy động y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch, chủ yếu tham gia công tác tiêm ngừa, tư vấn cho F0. Y tế tư nhân chưa tham gia vào công tác trực tiếp điều trị F0.

Về thuốc điều trị cho F0, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM khẳng định, Thành phố có đủ thuốc kháng virus. Vừa qua, Bộ Y tế cấp phát cho TPHCM hơn 25.000 liều Molnupiravir. Sở Y tế đang điều chuyển hơn 12.000 gói thuốc C bao gồm thuốc Molnupiravir từ các cơ sở y tế chưa sử dụng đến những nơi cần hơn.

Ngoài thuốc kháng virus này, ngành y tế Thành phố cũng được Bộ Y tế cung ứng 2.300 liều Faipiravir cùng nhóm. Bên cạnh đó, TPHCM còn một số loại thuốc Đông y hoặc thuốc y học dân tộc, hơn 30.000 liều thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người dân khi mắc COVID-19.

“Như vậy, Thành phố có lượng thuốc và được quản lý kiểm soát chặt chẽ trước tình hình F0 tăng thời gian qua. Gói thuốc C, kháng virus sẽ được cấp phát rộng rãi cho người dương tính cần sử dụng”, bà Huỳnh Mai cho biết.

Từ tham mưu của Sở Y tế thì TPHCM đang triển khai chiến dịch chăm sóc sức khỏe cho nhóm người có nguy cơ, là người trên 65 tuổi và người bệnh nền. Ngành y tế lập danh sách và triển khai xét nghiệm để tầm soát F0 trong đối tượng nguy cơ, tăng cường truyền thông để người thân áp dụng biện pháp phòng dịch tốt nhất hạn chế lây nhiễm và quy trình chăm sóc cho F0 tại nhà. Và tư vấn sức khỏe cho nhóm nguy cơ. Sau khi tầm soát và xác định là F0 thì y tế phường sẽ cấp gói thuốc kháng virus đến tận nhà theo chỉ định.

Bà Huỳnh Mai nhấn mạnh, việc dùng thuốc kháng virus phải theo đúng chỉ định. Đối với nhóm người trẻ, không triệu chứng khi nhiễm COVID-19 thì không thuộc chỉ định dùng thuốc kháng virus, mà nên sử dụng thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định, hoặc không đúng sẽ dẫn đến hệ quả là kháng thuốc, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Về chiến dịch tiêm nhắc mũi 3 vaccine, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, từ ngày 10/12, TPHCM bắt đầu triển khai tiêm mũi nhắc lại. Hiện nay nhiều người dân hiểu lầm giữa khái niệm tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại.

Ông Tâm lý giải liều tiêm nhắc được áp dụng cho người đã tiêm đủ 2 mũi, thời gian tiêm là sau 6 tháng tính từ mũi tiêm cuối cùng. Mũi bổ sung áp dụng cho đối tượng suy giảm miễn dịch, đặc biệt là người trên 50 tuổi, có bệnh nền, nhóm đối tượng dễ tổn thương. Thời gian tiêm mũi này sau 28 ngày, sau mũi tiêm cuối cùng.

Về kế hoạch thực hiện, các cơ sở y tế sẽ lên danh sách đối tượng cần tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại. Ngành y tế sẽ phối hợp chính quyền, công an để xác minh thông tin.

Rút kinh nghiệm từ các đợt tiêm trước, ở chiến dịch sắp tới, quy trình xác minh thông tin được làm chặt chẽ. Đơn vị tổ chức tiêm chủng phối hợp người dân cung cấp thông tin lịch sử tiêm chủng COVID-19, còn công an phường, xã sẽ là đơn vị xác minh danh sách. Sau khi xác minh, danh sách được gửi đến điểm tiêm. Từ đó, nhân viên y tế sẽ tiêm cho người dân theo chỉ định mũi tiêm nhắc lại hoặc bổ sung.

Chánh văn phòng Sở Y tế thông tin thêm, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Thành phố, không có chuyện đặt thêm các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ với người dân đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19. Hiện nay các địa phương đang rà soát công dân sinh sống trên địa bàn để quản lý chặt. Đây cũng là cơ sở cho việc cấp thẻ xanh và quản lý việc tiêm vaccine cho dù người dân di chuyển địa bàn nào cũng có thể kết nối với hệ thống cơ sở dân cư quốc gia.

Băng Tâm

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/dung-thuoc-khang-virus-khong-dung-se-gay-nguy-hiem-cho-cong-dong/455620.vgp