Dùng thuốc trị viêm loét dạ dày - tá tràng hiệu quả

Loét dạ dày tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến hiện nay. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm các biến chứng nguy hiểm. Ngoài thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, vấn đề sử dụng thuốc hợp lý có vai trò vô cùng quan trọng đến kết quả điều trị.

Viêm loét dạ dày - tá tràng là căn bệnh gây tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc (màng lót bên trong cùng) của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày hay thành ruột sẽ bị lộ ra. Bệnh gây ra rất nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh như: đau rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, nôn trớ... Thậm chí những trường hợp nặng ổ loét có thể chảy máu với triệu chứng nôn ra máu, đại tiện phân đen đe dọa tính mạng người bệnh.

Nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày - tá tràng là: Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP) và thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau chống viêm (điều trị đau xương khớp).

Ngoài ra có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh: Thường xuyên sử dụng thuốc lá, bia rượu, căng thẳng thần kinh, thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý (thức khuya, ăn không đúng giờ, ăn quá khuya...).

Viêm loét dạ dày - tá tràng nếu để kéo dài không điều trị sẽ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm: Chảy máu ổ loét, thủng ổ loét, hẹp môn vị (hẹp đường xuống của dạ dày), thậm chí có thể tiến triển thành ung thư.

Viêm loét dạ dày - tá tràng gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Viêm loét dạ dày - tá tràng gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Những lưu ý khi dùng thuốc

Thông thường, các thuốc điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng thường được sử dụng là: Thuốc kháng acid giúp trung hòa acid trong dịch vị dạ dày tá tràng; thuốc giảm tiết acid giúp giảm tiết acid; thuốc ức chế bơm proton giúp ngăn chặn bài tiết dịch vị; thuốc tạo màng bọc, bao phủ quanh ổ loét để bảo vệ niêm mạch dạ dày; thuốc diệt HP có tác dụng diệt khuẩn hiệu quả (thường sử dụng ít nhất 2 loại kháng sinh phối hợp).

Tuy nhiên, phụ thuộc vào vị trí viêm, mức độ viêm, có nhiễm vi khuẩn HP hay không cũng như thể trạng của từng người bệnh... bác sĩ sẽ lựa chọn dùng thuốc hay phối hợp thuốc phù hợp. Do vậy để điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng hiệu quả người bệnh phải đi khám.

Hiện nay, có nhiều bệnh nhân loét dạ dày - tá tràng sử dụng lại đơn thuốc cũ, dùng đơn thuốc của người khác. Nên nhớ tình trạng bệnh giữa các bệnh nhân cũng như giữa các lần mắc bệnh là khác nhau. Việc tự ý sử dụng thuốc điều trị viêm loét dạ dày khi không được sự cho phép của các bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng: Không đúng thuốc, không đủ liều, không đủ liệu trình điều trị... sẽ khiến bệnh không khỏi, nguy cơ tái phát cao, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần hạn chế sử dụng thuốc giảm đau NSAIDs, corticoid trong thời gian điều trị loét dạ dày - tá tràng.

Trước khi dùng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, để biết cách dùng đúng và nhận diện được các bất lợi của thuốc. Trong quá trình sử dụng nếu các bất lợi xảy ra người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để có những lời khuyên thích hợp hoặc xử lý kịp thời (khi cần thiết)... nhằm giúp cho việc sử dụng thuốc hợp an toàn và đạt hiệu quả điều trị bệnh tối ưu nhất.

Bên cạnh việc uống thuốc theo chỉ định, bệnh nhân viêm loét dạ dày - tá tràng cần kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý; nên tái khám theo lịch hẹn để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cách dự phòng tái phát.

Phòng ngừa viêm loét dạ dày -

tá tràng

Để phòng ngừa viêm loét dạ dày - tá tràng cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sống lành mạnh.

Chế độ dinh dưỡng: Hạn chế thức ăn có vị cay, chua, gia vị tiêu, giấm, ớt, tỏi, thức ăn nhiều chất béo, cà phê, trà đặc, rượu, đồ uống có ga, thức ăn nhiều muối... Nên ăn nhiều bữa trong ngày, không ăn no quá hay để đói quá, không ăn quá khuya (bữa cuối cách giờ đi ngủ khoảng 3 giờ), ăn thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho niêm mạc ruột...

Điều chỉnh lối sống khoa học: Cần tránh căng thẳng, làm việc quá sức, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá. Khi ăn nên nhai kỹ, ăn chậm... Sau khi ăn không nên vận động mạnh, hay làm việc quá sức ngay.

ThS.BS. Nguyễn Ngọc Đan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-tri-viem-loet-da-day-ta-trang-hieu-qua-n173543.html