Dùng thuốc trung hòa acid trong điều trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.Pylori

Dùng thuốc trung hòa acid trong điều trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori) giúp giảm đau tức thì, nhưng không được lạm dụng...

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.Pylori) có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm – loét dạ dày, tá tràng. Nếu không can thiệp sớm, bệnh có thể diễn tiến mạn tính, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí làm thúc đẩy ung thư dạ dày.

1. Tác dụng của thuốc trung hòa acid trong điều viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.Pylori

Vi khuẩn H.Pylori xâm nhập vào cơ thể, sẽ tấn công niêm mạc dạ dày (lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày khỏi axit mà cơ thể sử dụng để tiêu hóa thức ăn). Khi lớp niêm mạc này bị tổn thương, axit dạ dày có thể xâm nhập qua lớp niêm mạc, dẫn đến viêm, loét, gây đau...

Ngoài ra, khi nhiễm vi khuẩn H.Pylori ở niêm mạc hang vị, sẽ làm tăng nhẹ giải phóng gastrin, gây tăng tiết acid dạ dày thứ phát... cũng có thể gây viêm loét.

Các triệu chứng của viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.Pylori có thể bao gồm đau âm ỉ hoặc nóng rát ở vùng bụng trên. Cơn đau đôi khi tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc khi dạ dày trống rỗng...

Các thuốc trung hòa acid (thuốc kháng acid) sẽ giúp trung hòa độ acid trong dạ dày, có thể tạm thời giúp giảm đau. Thuốc thường làm giảm đau nhanh trong vòng 30 phút đến 1 - 2h sau khi uống thuốc. Tác dụng của thuốc nhanh nhưng ngắn và chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, cắt cơn đau.

Thuốc trung hòa acid gồm:

Các thuốc chứa magie
Các thuốc chứa nhôm
Thuốc phối hợp nhôm và magie...

Thuốc trung hòa acid có thể mua không kê đơn. Tuy nhiên, người bệnh nên dùng theo chỉ định của bác sĩ để tránh lạm dụng thuốc, gây hại.

Vi khuẩn Helicobacter pylori làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm – loét dạ dày, tá tràng.

Vi khuẩn Helicobacter pylori làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm – loét dạ dày, tá tràng.

2. Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc trung hòa acid

Tác dụng phụ liên quan đến một số thuốc trung hòa acid bao gồm:

Tiêu chảy đối với các thuốc có chứa magie.
Táo bón đối với thuốc có chứa nhôm.
Ức chế khoáng hóa xương, gây loãng xương khi dùng nhiều thuốc kháng acid có chứa nhôm.
Giữ nước hoặc nhiễm kiềm với thuốc chứa natri bicarbonate.

Các tác dụng phụ có thể giảm hoặc loại bỏ bằng cách chuyển sang thuốc khác không chứa thành phần liên quan đến tác dụng không mong muốn.

Thuốc trung hòa acid có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng đau rát hay ợ nóng, không tiêu.

Thuốc trung hòa acid có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng đau rát hay ợ nóng, không tiêu.

3. Cảnh báo khi lạm dụng thuốc trung hòa acid

Khi lạm dụng thuốc trung hòa acid thường xuyên kéo dài, có thể gây ra các hiện tượng sau:

- Hiện tượng tăng tiết acid hồi ứng: Thuốc khiến cơ thể sản xuất nhiều acid hơn, làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

- Độc tính thần kinh: Thuốc làm thay đổi chức năng của hệ thống thần kinh.

- Thiếu máu hồng cầu nhỏ do thuốc làm giảm khả năng hấp thu vitamin B12...

Nếu gặp các triệu chứng ợ chua hoặc khó tiêu hằng ngày, người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị thích hợp.

Dùng thuốc trung hòa acid trị đau dạ dày cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Dùng thuốc trung hòa acid trị đau dạ dày cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

4. Cần lưu ý gì để dùng thuốc an toàn?

Để dùng thuốc trung hòa acid an toàn, người bệnh nên thực hiện:

- Dùng thuốc trung hòa acid tốt nhất là sau bữa ăn 1-3 giờ và trước khi đi ngủ. Không nên uống thuốc ngay trước hay ngay sau bữa ăn.

- Đọc kỹ hướng dẫn về liều lượng và tần suất bạn nên dùng thuốc trung hòa acid theo nhãn của từng loại thuốc.

- Thừa cân và ăn khuya có thể làm cho các triệu chứng trào ngược acid dạ dày trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, cần giảm cân và tránh một số loại thực phẩm, bao gồm: Thực phẩm chiên và béo, thực phẩm có tính acid, chẳng hạn như chanh và cà chua, sô cô la, rượu bia, bạc hà…

- Thuốc có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ của các loại thuốc khác. Để giảm nguy cơ tương tác thuốc, nên tránh dùng đồng thời thuốc trung hòa acid cùng thời điểm với các loại thuốc khác, cách xa ít nhất là 2 giờ, ví dụ thuốc huyết áp, thuốc ức chế bơm proton (khi người bệnh đang phải dùng các loại thuốc này để trị bệnh).

5. Những ai nên tránh dùng thuốc trung hòa acid

Thuốc trung hòa acid thường an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, những người mắc một số bệnh lý nhất định nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng một số loại thuốc kháng acid có chứa nhôm hydroxid và magie carbonat.

- Những người bị suy thận có thể bị tích tụ nhôm sau khi sử dụng thuốc trung hòa acid. Điều này có thể dẫn đến ngộ độc nhôm. Những người bị suy thận cũng có xu hướng gặp vấn đề về cân bằng điện giải. Tất cả các thuốc trung hòa acid đều chứa chất điện giải, có thể làm cho vấn đề cân bằng điện giải trở nên nghiêm trọng hơn.

- Người đang dùng thuốc bổ sung canxi, vì có nguy cơ tăng canxi, gây tăng canxi máu hoặc nguy cơ sỏi thận.

- Ngoài ra, thuốc trung hòa acid có chứa aspirin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cho những người đang dùng các loại thuốc như chất làm loãng máu (warfarin), steroid, thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen và naproxen).

- Phụ nữ mang thai: Ợ nóng là hiện tượng phổ biến khi mang thai, đặc biệt là khi tử cung đẩy lên dạ dày. Áp lực khiến acid bị đẩy từ dạ dày lên thực quản, gây ra các triệu chứng ợ nóng, ợ chua. Phụ nữ mang thai nên thận trọng khi sử dụng thuốc trung hòa acid có chứa natri bicacbonat, có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

- Trẻ em: Trào ngược acid ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chậm phát triển và béo phì. Khi trẻ có các triệu chứng trào ngược acid cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chính xác.

6 biện pháp tại nhà khắc phục chứng trào ngược aciddạ dày vào buổi sáng.

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-trung-hoa-acid-trong-dieu-tri-viem-loet-da-day-do-vi-khuan-hpylori-169230417082015951.htm