Đừng 'tiếp tay' mua bán động vật hoang dã

ĐBP - Tình trạng bẫy, bắt, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển và tàng trữ các loài chim hoang dã, đặc biệt là chim chào mào có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong tỉnh. Lực lượng chức năng đã phối hợp với các địa phương tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nói chung và các loài chim hoang dã nói riêng. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để tình trạng trên cần có sự chung tay của cả cộng đồng, nhằm bảo vệ sự đa dạng của môi trường sinh thái.

Hạt Kiểm lâm TP. Điện Biên Phủ tiến hành thả các các thể chim hoang dã về tự nhiên.

Mua bán động vật hoang dã, trong đó có các loài chim hoang dã là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận nhiều đối tượng vẫn săn bắt, vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm, làm tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài trong tự nhiên. Thành phố Điện Biên Phủ - khu vực trung tâm cũng là địa bàn trung chuyển động vật hoang dã của các đối tượng. Thời gian qua, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, cơ quan chức năng đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ việc liên quan đến mua bán, vận chuyển động vật hoang dã cũng như chim hoang dã (chào mào và chích chòe).

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lò Thị Thi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Từ đầu năm đến tháng 12/2021, đơn vị đã phát hiện, xử lý 7 vụ; trong đó có 4 vụ vận chuyển (4 cá thể kỳ đà, hơn 600 cá thể chim chào mào, chích chòe; 3 các thể cầy vòi mốc) và 3 vụ nuôi nhốt, tàng trữ chim chào mào. Thậm chí trong 2 ngày liên tiếp (12-13/11), đơn vị đã phát hiện, xử lý 2 vụ vi phạm mà tang vật là chim hoang dã. Việc vận chuyển các cá thể động vật hoang dã thường được các đối tượng trung chuyển qua địa bàn thành phố. Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo, phân công anh em tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ và khi phát hiện vi phạm xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, để quản lý, bảo vệ các loài động vật, hạn chế tình trạng mua bán, đơn vị cũng tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các xã, phường tăng cường biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng đánh bắt trái phép động vật hoang dã trên địa bàn; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức để nhân dân không tiêu thụ, mua bán động vật, chim hoang dã, cùng chung tay bảo vệ sự đa dạng các giống, loài trong môi trường tự nhiên…

Thực tế hiện nay, để đối phó, nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng vận chuyển động vật hoang dã bằng nhiều phương thức, như: Chia nhỏ để vận chuyển trên nhiều phương tiện khác nhau, thay đổi phương tiện; đóng hộp bìa kín gửi hàng bằng xe khách… Nhiều đối tượng còn công khai treo biển thu mua, vận chuyển các loại chim hoang dã tại các khu vực đông dân cư.

Trước phương thức tinh vi của các đối tượng, lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, qua đó đã phát hiện, giải cứu được nhiều cá thể quý hiếm thả về môi trường tự nhiên. Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Hiện nay, tình trạng tàng trữ, mua bán, nuôi nhốt, săn bắt trái phép động vật hoang dã, nhất là chim hoang dã vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Một phần do nhận thức chưa đầy đủ của người dân về hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật; tập quán săn bắt truyền thống kiếm sống của đồng bào... Vì lẽ đó, tháng 9/2021, Chi cục đã ban hành các văn bản gửi các địa phương, Sở Giao thông vận tải, đơn vị vận tải để tuyên truyền và đề nghị phối hợp ngăn chặn các hành vi vận chuyển, mua bán động vật, chim hoang dã. Biên soạn tài liệu và tổ chức tuyên truyền không săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm vào các hoạt động cộng đồng… nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân. Mặt khác, phối hợp với các lực lượng chức năng, như: Công an, biên phòng, hải quan... trong công tác phòng ngừa, điều tra, khám phá tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến tháng 12/2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm liên quan đến động vật rừng, trong đó có 02 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng, 06 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật, 05 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật; xử phạt hành chính 150 triệu đồng. Tịch thu 1.085 cá thể chim chào mào, 30 cá thể chim chích chòe; 04 cá thể kỳ đà (01 cá thể đã chết), 01 cá thể mèo rừng và 09 cá thể cầy vòi mốc (đã chết). Sau đó tiến hành thả các cá thể chim chào mào, chim chích chòe, 01 cá thể mèo rừng, 03 cá thể kỳ đà về môi trường tự nhiên; tiêu hủy 01 cá thể kỳ đà và 09 cá thể cầy vòi mốc.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đã góp phần quan trọng để bảo vệ sự đa dạng của các loài động vật hoang dã. Thế nhưng do các loài động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao nên các đối tượng vẫn cố tình phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã, quý hiếm với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về tầm quan trọng trong việc bảo tồn các loài hoang dã; đồng thời lên án, đấu tranh các hành vi “tiếp tay” xâm hại động vật hoang dã để bảo tồn sự đa dạng sinh học trong thiên nhiên.

Bài, ảnh: Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/193148/dung-%E2%80%9Ctiep-tay%E2%80%9D-mua-ban-dong-vat-hoang-da