'Đúng vai, thuộc bài'

Đổi mới tư duy và cách thức xây dựng pháp luật là yêu cầu được Lãnh đạo Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh tại các phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, một quan điểm đổi mới hết sức quan trọng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa, minh bạch hóa hệ thống pháp luật.

 Đổi mới tư duy và cách thức xây dựng pháp luật

Đổi mới tư duy và cách thức xây dựng pháp luật

Yêu cầu trên đây càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội đang ngày càng nặng nề với số lượng các dự luật trình Quốc hội tăng nhanh theo từng kỳ họp. Nếu tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội chỉ xem xét 15 dự án luật (thông qua 7 dự án, cho ý kiến lần đầu 8 dự án) thì đến Kỳ họp thứ Bảy đã lên tới 22 dự án (thông qua 11 dự án, cho ý kiến lần đầu 11 dự án) và đỉnh điểm, tại Kỳ họp thứ Tám tới, theo Chương trình lập pháp ban đầu là 26 dự án (thông qua 13 dự án, cho ý kiến lần đầu 13 dự án) nhưng đến nay đã lên tới 29 dự án.

Nếu so sánh với nghị viện một số nước, đơn cử như Nhật Bản, một kỳ họp có thể xem xét thông qua hàng trăm luật thì số lượng dự án luật của ta thật sự không thấm vào đâu. Nhưng các dự luật của ta thường đồ sộ với hàng trăm điều khoản mà ngay cả chuyên gia có lẽ cũng khó mà nhớ được hết. Trong khi đó, chất lượng chuẩn bị các dự luật trình Quốc hội vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Do số lượng dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua rất lớn, nhiều dự án có nội dung phức tạp nên tiến độ chuyển sang các cơ quan của Quốc hội còn chậm, chưa bảo đảm thời gian cho các cơ quan của Quốc hội thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định. Một số dự án luật chất lượng chưa cao, các chính sách mới chưa được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng; chưa khắc phục được tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Một số trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự chủ động, dự liệu được hết những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, các chuyên gia trong việc xây dựng, ban hành văn bản...

Ở góc độ khác, dù các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nỗ lực gấp đôi, gấp ba để kịp thời xem xét, thông qua các luật, nhưng luật ban hành xong lại chờ văn bản hướng dẫn đến nay vẫn là câu chuyện rất thời sự.

Cụ thể, theo kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành quy định chi tiết năm 2024 được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có đến 51/104 văn bản được ban hành có hiệu lực chậm so với hiệu lực thi hành của luật và còn nợ chưa ban hành 21/129 văn bản quy định chi tiết các nội dung trong 12 luật. So sánh với kết quả cùng kỳ năm 2023 thì cả số lượng văn bản chậm ban hành và chưa ban hành trong năm 2024 đều nhiều hơn (văn bản ban hành chậm nhiều hơn 22 văn bản; văn bản nợ nhiều hơn 11 văn bản). Thậm chí, một số luật đã có hiệu lực thi hành nhưng đến kỳ báo cáo thì tất cả văn bản quy định chi tiết đều ban hành chậm như Luật Đấu thầu, Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ… Có luật đã được ban hành từ rất lâu vẫn nợ văn bản hướng dẫn, như Bộ luật Lao động đã có hiệu lực gần 4 năm nhưng đến nay vẫn còn 9 nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ chưa được quy định chi tiết. Lúc đề xuất ban hành, sửa đổi luật thì gấp nhưng ban hành xong lại chờ văn bản quy định chi tiết như vậy rõ ràng đã làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các luật, không phúc đáp kịp thời đòi hỏi của cuộc sống.

Như vậy, yêu cầu đổi mới cách thức làm luật đặt ra không chỉ với các văn bản ở tầm luật mà còn phải với cả các văn bản dưới luật. Một hệ thống pháp luật đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ áp dụng, hiệu lực thực thi cao, tuổi thọ lâu dài đòi hỏi phải phân cấp, phân quyền càng triệt để càng tốt, đúng vai, thuộc bài - cơ quan nào, cấp nào làm đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan đó, cấp đó, không “ôm” việc, “ôm” quyền của nhau, không "lấn sân", không làm thay, làm hộ và càng không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dung-vai-thuoc-bai-post391709.html