Đừng vì lợi trước mắt mà 'gặt lúa non'

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29-6-2024. Luật gồm 11 chương, 141 điều chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Luật BHXH năm 2024 đã kế thừa những nội dung cơ bản của Luật BHXH năm 2014; đồng thời điều chỉnh, bổ sung những điều khoản nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng thực tiễn phát triển của đất nước, xã hội. Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là quy định về hưởng BHXH một lần tại Điều 102.

Hơn 10 năm trước, sau khi Quốc hội thông qua Luật BHXH năm 2014, dư luận, nhất là người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp bày tỏ nguyện vọng sửa đổi Điều 60 của luật này. Trên cơ sở ý kiến của cử tri, người lao động, các cơ quan chức năng đã tham mưu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH năm 2014. Theo đó, nếu người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc dưới 20 năm mà không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có thể đề nghị được nhận BHXH một lần.

Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, một bộ phận không nhỏ người lao động, đặc biệt là lao động khu vực ngoài Nhà nước chọn phương án “nhận một cục” cho khoảng thời gian đã tham gia BHXH nhưng chưa đủ thời gian, điều kiện hưởng lương hưu. Với nhiều người, họ sẽ sử dụng số tiền này làm vốn để phát triển kinh tế gia đình, kinh doanh buôn bán, hoặc đơn thuần chỉ để giải quyết những khó khăn trước mắt. Ông bà xưa đã đúc kết “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, khi đã quyết định rút BHXH một lần thì người lao động đang ở vào tình thế “chẳng đặng đừng”! Do đặc thù công việc nên người lao động rất khó để bám trụ với doanh nghiệp đến tuổi nghỉ hưu khi sức khỏe không cho phép. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lại dùng nhiều cách để “thay máu” lực lượng lao động nhằm giảm đến mức thấp nhất các khoản chi phí mà doanh nghiệp phải thực hiện, trong đó có BHXH. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người lao động rút BHXH một lần theo phong trào, sử dụng vào mục đích không phù hợp dẫn đến trắng tay, thậm chí còn vướng vòng lao lý khi dùng để... cho vay nặng lãi!

Khoản đ, Điều 102, Luật BHXH năm 2024 quy định “Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội” sẽ thuộc diện được đề nghị nhận BHXH một lần. Từ đây cũng xuất hiện tình trạng gia tăng số người muốn nhận BHXH một lần. Cũng theo luật này, chỉ những người tham gia BHXH sau ngày 1-7-2025 mới bị hạn chế về điều kiện hưởng BHXH một lần nên họ tranh thủ “nhận một cục” rồi quay lại tiếp tục tham gia BHXH. Tuy nhiên, người tham gia không được bảo lưu thời gian đóng BHXH mà phải quay lại từ đầu do đã rút tiền. Từ đó, nếu tham gia BHXH đủ 15 năm trở lên để được nhận lương hưu thì số tiền hưu hàng tháng cũng chỉ bằng khoảng một nửa so với những người tham gia BHXH trọn vẹn.

BHXH là trụ cột chính trong chính sách an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, được ví như “của để dành” của mỗi người khi hết tuổi lao động. Vì vậy, mỗi người khi đã tham gia BHXH hãy cố gắng đi đến đích để được hưởng đầy đủ quyền lợi, hạn chế tình trạng “gặt lúa non” nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt. Tuổi già không có lương hưu không chỉ là gánh nặng đối với con, cháu trong gia đình mà còn vô hình trở thành rào cản đối với sự phát triển của xã hội, đất nước.

Chính Trực

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163661/dung-vi-loi-truoc-mat-ma-gat-lua-non