Được cử đại diện giao kết hợp đồng lao động

Nhóm người lao động làm công việc thời vụ ủy quyền cho một người trong nhóm giao kết hợp đồng lao động với giám đốc công ty không trái quy định pháp luật

Đinh Hoàng Lê (ledinh8823@gmail.com) hỏi: "Do nhu cầu sản xuất vào dịp cuối năm nên công ty chúng tôi thường sử dụng một số lao động thời vụ. Tuy nhiên, do thường xuyên đi công tác nên giám đốc công ty không thể ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với từng người lao động (NLĐ). Để giải quyết khó khăn này, công ty định yêu cầu số lao động thời vụ nói trên ủy quyền cho một người trong nhóm đại diện ký HĐLĐ với giám đốc. Xin hỏi công ty làm như vậy có trái quy định pháp luật không?".

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM trả lời: Theo quy định tại khoản 2 điều 18 Bộ Luật Lao động, đối với những công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm NLĐ có thể ủy quyền cho một NLĐ trong nhóm để giao kết HĐLĐ bằng văn bản. Trường hợp này, HĐLĐ có hiệu lực như giao kết với từng người. HĐLĐ do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng NLĐ. Căn cứ quy định trên, việc nhóm NLĐ làm công việc thời vụ ủy quyền cho một NLĐ trong nhóm giao kết HĐLĐ với giám đốc công ty không trái quy định pháp luật.

Không cần giám định lại

Phạm Minh Chánh(TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) hỏi: "Theo kết quả giám định y khoa năm ngoái, tôi bị suy giảm 62% sức lao động. Đến năm 2020, tôi đủ tuổi để xin nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì có cần phải đi giám định y khoa lại không?".

BHXH Việt Nam trả lời: Điều 14 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định biên bản giám định y khoa có giá trị đến khi có biên bản giám định liền kề sau đó với cùng nội dung và mục đích giám hộ. Như vậy, khi đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động, ông Chánh không cần phải thực hiện giám định lại mức suy giảm khả năng lao động, trừ trường hợp ông tự đi giám định và có kết quả giám định lần sau khác lần trước.

Phải truy đóng BHXH

Lê Hùng Nghĩa(lehungnghia70@gmail.com) hỏi: "Công ty tôi hoạt động từ năm 2012 đến nay song gặp khó khăn nên không tham gia BHXH cho NLĐ. Nay công ty định truy đóng BHXH cho NLĐ có được không? Công ty có bị xử phạt vì không tham gia BHXH cho NLĐ trong thời gian qua không?".

BHXH Việt Nam trả lời: Điều 122 Luật BHXH, điều 49 Luật BHYT, điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và điều 216 Bộ Luật Hình sự quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) có hành vi trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của NLĐ từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải nộp số tiền lãi BHXH, BHTN bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề, BHYT bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền thời gian chậm đóng. Ngoài ra, NSDLĐ còn bị phạt tiền với mức từ 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính (tối đa không quá 75 triệu đồng) và bị phạt từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ từ một năm hoặc phạt từ 3 tháng đến một năm đối với đơn vị sử dụng lao động gian dối hoặc thủ đoạn khác để không đóng, đóng không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên.

Đối chiếu với quy định trên NSDLĐ phải truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ và số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng, theo quy định và bị phạt mức tiền 12%-15% (tối đa không quá 75 triệu đồng) và bị xử lý theo điều 216 Bộ Luật Hình sự nêu trên.

Được thanh toán chế độ ốm đau

Hồ Thị Vân (quận Thủ Đức, TP HCM) hỏi: "NLĐ có tham gia BHYT bắt buộc nhưng khi đi khám chữa bệnh không dùng thẻ BHYT thì có được thanh toán chế độ ốm đau không?".

BHXH TP HCMtrả lời: Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điều 100 Luật BHXH và Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với trường hợp điều trị nội trú là giấy ra viện; đối với trường hợp điều trị ngoại trú là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh về số ngày cần phải nghỉ việc điều trị ngoại trú. Mặt khác, khoản 2 điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp: NLĐ bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH. Như vậy, khi NLĐ có giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do cơ sở khám chữa bệnh cấp theo quy định sẽ được giải quyết chế độ ốm đau.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/duoc-cu-dai-dien-giao-ket-hop-dong-lao-dong-20191004214854579.htm