Được và mất những gì khi chuyển từ xe máy xăng sang xe điện?

Bên cạnh những ưu điểm thường được các hãng xe giới thiệu, người dùng vẫn cần cân nhắc đến những bất tiện trong quá trình sử dụng xe điện.

Trong bối cảnh giá xăng tăng cao, xe máy điện bất ngờ được nhiều người lựa chọn để giảm bớt gánh nặng tài chính mỗi khi sử dụng thay cho xe máy phổ thông. Các hãng xe điện trong nước cũng đang có nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng trong giai đoạn này.

Vậy người dùng sẽ được gì và mất gì khi từ bỏ sử dụng xe chạy xăng và thay thế bằng xe điện?

Êm ái và "bốc" hơn

Khởi động không phát ra tiếng hay tăng tốc trong im lặng là những ưu điểm mà bất kỳ người dùng xe điện nào cũng có thể cảm nhận ngay từ lần đầu tiên trải nghiệm.

Xe điện không có piston nén để đốt nhiên liệu nên loại bỏ hoàn toàn sự rung động phát ra từ động cơ. Ưu điểm này giúp những chiếc xe điện mang đến cảm giác thoải mái khi vận hành, người lái ít cảm giác mệt mỏi hơn vì những rung động khi cầm lái quãng đường dài.

Nhờ khả năng tạo ra mô-men xoắn cao ngay từ vòng quay động cơ thấp, xe điện cho cảm giác tăng tốc khá ấn tượng. Trong khi đó xe dùng nhiên liệu xăng dầu thường chỉ đạt được mức mô-men xoắn cực đại sau khi đạt được vòng quay động cơ nhất định.

Giảm chi phí sử dụng

Tiết kiệm hơn là tiêu chí được hầu hết hãng xe điện dùng để giới thiệu về ưu thế trước xe dùng động cơ truyền thống. Thực tế, điều này hoàn toàn đúng khi xét về tương quan giá xăng và giá điện cho mỗi km di chuyển.

Lấy ví dụ một chiếc xe tay ga Honda Vision có mức tiêu thụ nhiên liệu 2,16 l/100 km, tương đương 648 đồng/km với giá xăng 30.000 đồng/lít. Trong khi đó một mẫu xe điện cùng tầm giá như VinFast Klara S tốn khoảng 8.280 đồng mỗi lần sạc đầy, đủ để di chuyển quãng đường 120 km. Với giá điện 3.000 đồng/kWh, chi phí quy đổi tương đương 69 đồng/km.

Có thể thấy sự chênh lệch khá lớn giữa chi phí đổ xăng/sạc nhiên liệu của 2 mẫu xe Vision và Klara S. Nếu mỗi ngày di chuyển khoảng 50 km, mỗi tháng người dùng xe điện sẽ tiết kiệm hơn 860.000 đồng so với người dùng xe xăng.

VinFast cho biết bộ pin lithium-ion của Klara S có khả năng sạc 1.000 lần, tuy nhiên pin sẽ giảm khả năng lưu trữ điện theo thời gian, điều này đồng nghĩa với việc khoảng 2-3 năm người dùng sẽ cân nhắc thay một bộ pin mới. Mức giá một bộ pin Klara S là 8,6 triệu đồng, tương đương 4,3 triệu đồng cho mỗi viên pin. Một mẫu xe khác cùng tầm giá Klara S là Yadea G5 cũng sử dụng pin lithium-ion, giá một bộ pin cũng không quá chênh lệch.

Hiện tại, VinFast là hãng xe duy nhất trên thị trường Việt Nam có chính sách thuê pin cho các dòng xe máy điện sử dụng pin lithium-ion như Vento, Theon. Chi phí dao động 149.000-350.000 đồng/tháng tùy theo dòng xe cũng như quãng đường di chuyển.

Nếu mua xe của các hãng khác, người dùng sẽ phải gánh thêm chi phí thay bộ pin mới sau một thời gian sử dụng. Pin lithium-ion cho tuổi thọ cao hơn, tuy nhiên giá bán lại đắt hơn pin ắc-quy.

Cân nhắc thời gian sạc

Đối với xe dùng động cơ đốt trong, mỗi lần đổ đầy bình chỉ mất chưa đến 5 phút, tuy nhiên với xe điện thì thời gian sạc phải tính theo giờ. Đây là vấn đề nan giải nhất của ngành công nghiệp xe điện.

Xe máy điện dùng pin lithium-ion có thời gian sạc dao động 3-6 tiếng, trong khi xe dùng bình ắc-quy sạc đầy 0-100% cần khoảng hơn 10 tiếng. Hạn chế về thời gian sạc pin buộc chủ xe phải cân nhắc kỹ lưỡng trong trường hợp cần dùng xe đột xuất hay phải di chuyển quãng đường dài.

Hiện tại, số lượng trạm sạc cho xe máy điện đang ngày càng nhiều, điều này góp phần giải tỏa ít nhiều vấn đề liên quan đến việc sạc cho xe điện. Xe máy điện có lợi thế hơn nhờ khả năng đổi pin linh hoạt, đây là điểm mạnh khi so với ôtô điện.

Vĩnh Phúc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duoc-va-mat-nhung-gi-khi-chuyen-tu-xe-may-xang-sang-xe-dien-post1301762.html